Biến đổi khí hậu sẽ gây nước biển dâng 1m vào năm 2100. Biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh chưa từng thấy, nước biển dâng cao, thảm họa tự nhiên xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm nhiều khu dân cư. Ảnh: Econews.
Báo cáo mới của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra, đến giữa thế kỷ này, những trận lũ lụt và sóng cực lớn từng xảy ra một trăm năm một lần có thể xảy ra hàng năm, Independent hôm 26/9 đưa tin. Hàng trăm triệu người sống ở vùng đất thấp gần biển sẽ phải đối mặt với nhiều cơn bão hơn.
Để làm báo cáo, hơn 100 tác giả từ 36 nước đã xem khoảng 7.000 nghiên cứu khoa học về hai yếu tố quan trọng tác động đến khí hậu, đại dương và băng quyển. "Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng nên Trái Đất rất khó bảo tồn được trữ lượng băng tự nhiên, hay băng quyển", tiến sĩ Helene Hewitt tại Cơ quan thời tiết Anh cho biết. Nước tan từ các sông và dải băng hiện là nguồn lớn nhất khiến mực nước biển toàn cầu tăng.
Các chuyên gia dự đoán nếu lượng khí thải cao, đến năm 2300, nước biển sẽ dâng lên vài mét và hàng tỷ người mất nhà cửa. Cuối thế kỷ này, thiệt hại hàng năm ở vùng ven biển do lũ lụt dự kiến tăng 100-1.000 lần. Một số đảo quốc có khả năng sẽ không thể sinh sống được.
Trong thế kỷ 20, mực nước biển toàn cầu dâng lên khoảng 15 cm. Tuy nhiên, tốc độ dâng hiện nay là 3,6 mm/năm, nhanh hơn gấp đôi và thậm chí vẫn đang tăng khi dải băng Greenland và Nam Cực tan chảy. Năm 2100, mực nước biển có thể dâng 30-60 cm nếu khí nhà kính giảm mạnh và tình trạng ấm lên toàn cầu được kiểm soát. Trong trường hợp lượng khí thải tiếp tục cao, mực nước biển sẽ dâng lên 60-110 cm.
"Băng đang biến mất nhanh chưa từng thấy. Băng trên một số dãy núi như Alps có thể hoàn toàn tan chảy vào năm 2100", giáo sư Jonathan Bamber tại Đại học Bristol nhận định.
Các đợt sóng nhiệt biển có thể xuất hiện nhiều gấp đôi so với năm 1982, cường độ cũng mạnh hơn. Nạn cháy rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở đài nguyên, rừng cây phía bắc và một số vùng núi.
Đại dương giúp hạn chế tác động của khí nhà kính khi hấp thụ phần lớn nhiệt và CO2 dư thừa. Tuy nhiên, điều đó lại ảnh hưởng đến sự sống của sinh vật hoang dã như cá và san hô. Vấn đề này đang dần trở nên tồi tệ hơn.
Tầng đất đóng băng vĩnh cửu chứa nhiều khí nhà kính đang tan chảy, có thể giải phóng lượng khí này vào khí quyển và khiến tình trạng ấm lên toàn cầu thêm trầm trọng. Giáo sư Peter Wadhams tại Đại học Cambridge cho biết, khi tầng đất đóng băng vĩnh cửu dưới thềm lục địa Bắc Cực tan, lượng lớn khí nhà kính thoát ra có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.