9/21
Ngày 18/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị Đề án về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Ảnh minh hoạ: Đường sắt cao tốc tại Cao Hùng, Đài Loan (Ảnh: Shutterstock)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết do vai trò ý nghĩa đặc biệt của hành lang giao thông Bắc – Nam, nên kế hoạch đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xem là hết sức quan trọng.
Trước đó, vào tháng 2/2019, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và tổ tư vấn đã hoàn thành “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam”.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt dài khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc – Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất đầu tư tuyến đường sắt Bắc – Nam có tốc độ khai thác 200km/h, dùng chung cho chở khách và hàng hóa.
Đặc biệt, đề xuất của Bộ KH&ĐT có chi phí khoảng 26 tỷ USD, trong khi phương án của Bộ GTVT có chi phí tới 58 tỷ USD.
Sự khác biệt giữa hai phương án và mức chi phí đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa hai Bộ, giữa các chuyên gia và trong dư luận.
Sau đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, làm rõ kinh nghiệm quốc tế, vấn đề nội địa hóa, lựa chọn tốc độ chạy tàu, cơ cấu loại hình vận tải và tác động của dự án.
Đồng thời, thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch. Hội đồng sẽ thuê liên danh tư vấn trong và ngoài nước để bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án.
Bộ GTVT và tổ tư vấn sẽ phải tính toán khả năng bố trí vốn đầu tư, lựa chọn giai đoạn đầu tư, dự kiến là trong giai đoạn 2021 – 2030 hoặc sau năm 2030.
Theo dự kiến, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết đang xây dựng kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chuẩn bị để xin ý kiến các thành viên hội đồng, thành lập tổ chuyên gia thẩm định liên ngành.
Bộ KH&ĐT nhận xét đây là dự án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau và hội đồng phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn, nên dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2020.
Sau khi trình Quốc hội, nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai vào giai đoạn 2021 – 2030 hoặc sau 2030.