Ngày 28/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị Nữ hoàng Elizabeth đình chỉ quốc hội, nhiều người hy vọng bà sẽ từ chối nhưng không ngờ Nữ hoàng lại chấp nhận.
Người dùng mạng xã hội kêu gọi Nữ hoàng can thiệp để ngăn cản Johnson. Nghị sĩ đối lập cố gắng xin gặp Nữ hoàng nhưng không thành công. Cuối cùng, Nữ hoàng chấp nhận yêu cầu của Thủ tướng Johnson.
Các chuyên gia về hiến pháp Anh nói rằng Nữ hoàng Elizabeth có ít quyền quyết định trong vấn đề này. Là người đứng đầu nhà nước trong chế độ quân chủ lập hiến, bà phải giữ sự trung lập về chính trị và quyền quyết định của bà khá hạn chế.
"Thực tế thì bà ấy không thể tự do quyết định trong trường hợp này", Asif Hameed, giảng viên luật tại Đại học Southampton, nói. "Trong hệ thống chính trị của chúng ta, bà là nguyên thủ nhưng không quản lý đất nước - đó là việc của chính phủ dân cử".
Hiến pháp Anh quy định Nữ hoàng cần làm theo đề đạt của chính quyền. Vì vậy, khi ông Johnson đề nghị Nữ hoàng đình chỉ quốc hội, bà có nghĩa vụ phải chấp thuận.
Nữ hoàng Anh tại Scotland tháng 7/2017. Ảnh: Reuters.
Quốc hội Anh sẽ bị đình chỉ từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10. Thông thường, kỳ họp mùa thu của quốc hội Anh sẽ bắt đầu từ ngày 14/9 và kéo dài đến ngày 2/10. Tuy nhiên, động thái của Johnson làm ngày họp bị lùi lại, khiến các nghị sĩ chỉ có khoảng hai tuần để thông qua bất kỳ luật nào nhằm ngăn Anh rời EU (thường gọi là Brexit) vào đúng hạn 31/10.
Johnson muốn Anh rời EU vào đúng ngày cuối cùng của tháng 10 dù có hay không có thỏa thuận. Các đối thủ của Johnson lập luận chính sách của ông có thể khiến Anh rời EU mà không có thỏa thuận quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ Anh - EU hậu Brexit, như giao dịch thương mại hay quyền của công dân Anh ở EU. Điều này đặt ra nguy cơ chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.
Khi công chúng có những quan điểm khác nhau về Brexit, lời đề nghị của Johnson "cuốn" Nữ hoàng vào trung tâm của một vấn đề nóng. "Để thực hiện được động thái gây tranh cãi đó, chính quyền cần được Nữ hoàng chấp thuận và họ đã kéo bà vào chuyện này", Michael Gordon, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Liverpool, nói.
Trong bối cảnh Brexit khiến người Anh chia rẽ, những hành động dù chỉ mang tính biểu tượng của Nữ hoàng lại có thêm sức nặng, theo Robin Niblett, giám đốc viện nghiên cứu Chatham House. "Việc Nữ hoàng bị coi là một phần của Brexit, quá trình đã gây ra cảm xúc hỗn độn cho nhiều người, không phải là điều tốt với bà và hoàng gia".
Vì Nữ hoàng Elizabeth đồng ý đình chỉ quốc hội Anh, bản chất gây tranh cãi của động thái có thể khiến bà cũng bị chỉ trích và đó mới chỉ là khởi đầu. Nếu các nhà lập pháp cố gắng thông qua luật yêu cầu Thủ tướng trì hoãn Brexit để tránh rời EU mà không có thỏa thuận ngày 31/10, giai đoạn cuối cùng của quá trình đó cần sự chấp thuận của Nữ hoàng. Chính quyền Johnson cũng có thể đề nghị bà không chấp nhận luật này.
"Mặc dù Nữ hoàng chỉ làm theo đề nghị mà bà cần thực hiện, bà có thể bị kéo vào thêm những diễn biến phức tạp sau này", Gordon nói.
VietBF © sưu tầm