Quan hệ Nhật - Hàn đã sứt mẻ từ lâu và Mỹ rất muốn hàn gắn mối quan hệ đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington sẽ làm mọi điều có thể để giúp Seoul, Tokyo giải quyết mâu thuẫn thương mại.
Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Bangkok, Thái Lan ngày 2/8. Ảnh: Reuters.
"Hàn Quốc và Nhật Bản phải giải quyết những vấn đề nhạy cảm này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói ngày 27/8. "Mỹ, với tư cách là một người bạn thân thiết và là đồng minh của cả hai, sẽ làm mọi điều có thể để ủng hộ nỗ lực của họ trong việc giải quyết mâu thuẫn".
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây gia tăng liên quan đến vấn đề thương mại và hợp tác chia sẻ thông tin tình báo quân sự. Rạn nứt giữa hai đồng minh đặt ra thách thức lớn đối với Mỹ, bởi Washington rất coi trọng hợp tác an ninh ba bên trong việc đương đầu với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên cũng như việc gia tăng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.
Tham mưu trưởng thủy quân lục chiến Mỹ David Berger trước đó cũng lên tiếng cảnh báo về hậu quả từ sự rạn nứt quan hệ giữa hai đồng minh.
"Mỹ tin điều quan trọng là phải đảm bảo mối quan hệ bền chặt giữa ba nước chúng ta trước những thách thức chung trong khu vực cũng như trên toàn thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm. "Mỹ sẽ tiếp tục khuyến khích hai đồng minh thân thiết giải quyết vấn đề này thông qua các cuộc thảo luận chân thành".
Quan hệ Tokyo - Seoul xấu đi sau khi Nhật hồi tháng 7 hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Hàn Quốc cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử, cũng như siết chặt về thương mại khi xóa tên Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại.
Seoul cáo buộc Tokyo đang tận dụng lợi thế thương mại để trả đũa phán quyết năm ngoái của tòa án Hàn Quốc, yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910 - 1945 phải bồi thường cho nạn nhân. Hàn Quốc hôm 22/8 quyết định chấm dứt Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) và ngừng chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.