Thời tiết khắc nghiệt gây nắng nóng kỷ lục hồi tháng 7 vừa qua ở Hà Lan đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.900 người tại nước này, trong đó có khoảng 300 người từ 80 tuổi trở lên.
Người dân châu Âu đổ xô đến các địa điểm công cộng có nước, từ bãi biển đến công viên và cả các đài phun nước trong đợt nóng kỷ lục tháng 7 - Ảnh: REUTERS
Số liệu vừa được Cơ quan thống kê quốc gia Hà Lan (CBS) công bố ngày 9-8 cho thấy đã có thêm 400 người chết trong tuần nắng nóng bắt đầu từ ngày 22-7, nâng tổng số người chết vì nóng tại nước này lên con số 2.964 người.
Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra tại miền đông Hà Lan, nơi có nhiệt độ tăng cao hơn và đợt nắng nóng kéo dài hơn so với các vùng khác.
Nhiệt độ tại Hà Lan có lúc cao hơn 40 độ C vào ngày 25-7. Số người thiệt mạng vì nắng nóng tại Hà Lan lần này tương đương với số người thiệt mạng trong 2 đợt nắng nóng xảy ra năm 2006, vốn được cho là đợt nắng nóng kéo dài nhất tại nước này.
Đây là đợt nóng thứ hai tại châu Âu chỉ trong vòng 1 tháng. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo những đợt nắng nóng tương tự như vậy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn do Trái đất đang ấm lên bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Không chỉ riêng Hà Lan, đợt nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 7 tại Nhật Bản cũng cướp đi sinh mạng của hơn 50 người tính đến ngày 6-8, buộc chính phủ nước này phải đưa ra khuyến cáo y tế.
Theo chương trình giám sát Trái đất có tên Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 7-2019 là tháng nóng kỷ lục từng được ghi nhận.
Báo cáo của Copernicus cho thấy nhiệt độ trung bình trong tháng 7 chạm mốc cao nhất so với các mốc từ năm 1981 đến 2010 ở các khu vực Alaska, Greenland, Siberia, Trung Á, Iran và một vùng rộng lớn ở Nam Cực. Nhiệt độ tại phần lớn lục địa châu Phi và châu Đại Dương đều tăng cao hơn so với mức trung bình.
"Kỷ lục này sẽ sớm bị phá trong tương lai trong bối cảnh tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp diễn trên thế giới" - ông Jean-Noel Thepaut, người đứng đầu Copernicus, đưa ra cảnh báo.
VietBF © sưu tầm