Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN 2019 tại Thái Lan. Ông Vương Nghị- Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không nên để các vấn đề hàng hải liên quan đến Việt Nam ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa hai nước, hãng tin Reuters cho biết.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai từ trái), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và các ngoại trưởng khác trong ASEAN tại Bangkok, Thái Lan ngày 31/7. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc đưa ra tuyên bố này sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 1/8 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok.
Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố quan hệ Trung Quốc - Việt Nam tiếp tục phát triển và hai bên sẽ "kiểm soát và quản lý đúng đắn tình hình trên biển".
Dù tuyên bố như vậy nhưng Trung Quốc vẫn không ngừng cho tàu đi vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.
Các chuyên gia về hàng hải và hải quân thế giới cho biết, từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-08) cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển có vũ trang loại lớn nhất của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Theo những hình ảnh vệ tinh được công bố, nhóm tàu HD-08 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính - một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau ngày 1/8
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc. Về các vấn đề trên biển hiện nay, Phó Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam. Hai bên cần nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hoà bình giải quyết thoả đáng tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trước hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel ngày 26/7 tuyên bố, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; Trung Quốc cần phải chấm dứt bắt nạt láng giềng. “Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một nước công khai phớt lờ luật pháp quốc tế”, ông khẳng định.
Các Thượng nghị sĩ Mỹ như Bob Menendez của New Jersey, Ed Markey ở Massachusetts, Patrick Leahy tại Vermont và Brian Schatz ở Hawaii đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ưu tiên thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Thái Lan đang diễn ra.
Các Thượng nghị sĩ cho rằng hành động của Trung Quốc tại Biển Đông cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump cần "hành động mạnh mẽ" hơn cùng với sự hợp tác với các đồng minh và đối tác.
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cũng nêu rõ trong một tuyên bố rằng những hành vi của Trung Quốc ở ngoài khơi Malaysia và vùng biển Việt Nam cho thấy nước này sẵn sàng có hành động cưỡng ép và dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng.
Tàu Hải Dương 8 (bên phải) và tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông
Phát biểu trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 8 (HD-08) của Trung Quốc dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh và dân binh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là hành động nối tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, đồng thời gia tăng căng thẳng, gây bất lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
VietBF@ sưu tầm.