Rất nhiều thành phố muốn giữ sự yên bình và không khí trong lành nên đã cấm xe hơi vào trung tâm. Nhiều thành phố ở các nước đề ra quy định hạn chế ôtô vào khu trung tâm nhằm giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.
Thành phố Oslo, Na Uy. Ảnh: Flickr.
Thủ đô Oslo của Na Uy có kế hoạch cấm ôtô tại trung tâm thành phố từ năm nay, 6 năm trước khi lệnh cấm có hiệu lực trên toàn quốc. Oslo sẽ đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng và chuyển đổi nhiều tuyến phố thành đường dành riêng cho xe đạp.
"Nếu họ thành công, tôi nghĩ việc này sẽ có sức lan tỏa rất lớn", Paul Steely White, giám đốc điều hành một tổ chức ủng hộ người đi xe đạp tại New York, cho hay.
Madrid, Tây Ban Nha có kế hoạch cấm ôtô trong khu vực trung tâm có diện tích 200 ha vào năm 2020. 24 tuyến phố đông đúc nhất của thành phố sẽ được thiết kế lại thành đường đi bộ. Đây là một phần trong kế hoạch "di chuyển bền vững" của Madrid, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng ôtô hàng ngày từ 29% xuống 23%.
Lái xe vi phạm quy định có thể bị phạt ít nhất 100 USD. Những chiếc ôtô thải nhiều khói bụi ô nhiễm ra môi trường sẽ phải trả phí đỗ xe cao hơn. Hồi tháng 5/2018, chính quyền thành phố xác nhận sẽ cấm ôtô từ các vùng lân cận đi vào khu trung tâm từ tháng 11.
Hamburg, Đức có kế hoạch đưa việc đi bộ và đạp xe thành những hình thức di chuyển chủ yếu của người dân. Trong hai thập kỷ tới, Hamburg sẽ giảm lượng ôtô lưu thông bằng cách chỉ cho phép người đi bộ và đi xe đạp tham gia giao thông ở một số khu vực đặc biệt.
Một dự án có tên "mạng lưới xanh" sẽ kết nối nhiều khu vực trong thành phố mà ôtô không được phép lưu thông. Đến năm 2035, mạng lưới trên dự kiến sẽ chiếm 40% diện tích thành phố. Rất nhiều công viên, khu vui chơi, sân tập thể thao và các khu tưởng niệm sẽ thuộc mạng lưới này.
Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Flickr.
Hiện hơn 50% người dân Copenhagen, Đan Mạch đạp xe tới nơi làm việc hàng ngày nhờ những khu vực cấm xe cơ giới được áp dụng từ những năm 1960. Thủ đô Đan Mạch hiện có những tuyến đường dành riêng cho xe đạp với tổng chiều dài hơn 300 km.
Đây cũng là một trong những thành phố có tỷ lệ dân số sở hữu ôtô thấp nhất châu Âu. Mục tiêu của thành phố là xây dựng một tuyến đường dành riêng cho xe đạp kéo dài tới các vùng ngoại ô xung quanh.
Thủ đô London của Anh có kế hoạch cấm ôtô chạy bằng dầu diesel từ năm 2020. Thành phố hiện đã thu phí 12,5 USD/ngày với các phương tiện chạy bằng dầu diesel lưu thông vào một số khu vực trong giờ cao điểm.
Hồi tháng 7/2017, chính phủ Anh thông báo sẽ cấm bán ôtô chạy dầu diesel từ năm 2040 nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng ô nhiễm không khí.
Một tuyến phố đi bộ ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Flickr.
Hầu hết các con đường xung quanh quảng trường và khu phố mua sắm Rue Neuve ở Brussels, Bỉ được thiết kế dành riêng cho người đi bộ và cấm ôtô lưu thông.
Thành phố đang xem xét một số phương án mở rộng các khu vực cấm ôtô, bao gồm đề xuất chuyển một đại lộ 4 làn đường thành khu dành cho người đi bộ. Hồi tháng 8/2018, thành phố bắt đầu cấm ôtô chạy bằng diesel sản xuất trước năm 1998.
Năm 2008, thủ đô Berlin, Đức thiết lập một vùng cấm các phương tiện không đạt tiêu chuẩn quốc gia về khí thải. Vùng cấm này bao gồm khu vực có diện tích khoảng 55 km2 tại trung tâm thành phố, với khoảng 1/3 dân số Berlin.
Từ cuối 2017, chính quyền Berlin bắt đầu xây dựng nhiều tuyến đường dành riêng cho xe đạp và cấm ôtô lưu thông trên các tuyến đường này.
Tháng 8/2017, chính quyền thành phố San Francisco, Mỹ thông báo kế hoạch cấm ôtô và xây dựng tuyến đường dành cho xe đạp tại một trong những giao lộ đông đúc nhất là Market Street.
Giai đoạn đầu tiên của dự án bắt đầu vào năm 2018 và dự kiến kéo dài vài năm. Tổng số chiều dài các tuyến đường dành cho xe đạp trong thành phố là 200 km.