Sinh viên Australia mừng vì được về với vợ sau khi rời Triều Tiên. Nam sinh viên được cảnh báo không nên quay lại Triều Tiên. Alek Sigley hoàn toàn khoẻ mạnh và muốn trở lại cuộc sống thường nhật.
Sigley tại sân bay quốc tế Haneda của Nhật Bản hôm 4/7. Ảnh: Reuters.
"Tôi rất vui khi được trở về nhà với người vợ Yuka của mình. Tôi đã nói chuyện với gia đình tại Perth để trấn an họ", công dân Australia Alek Sigley ngày 5/7 trả lời các phóng viên tại Tokyo khi được hỏi về tình hình sức khoẻ.
"Bây giờ tôi chỉ có ý định trở lại cuộc sống bình thường", Sigley nói, nhưng từ chối đề cập đến lý do bị nhà chức trách Triều Tiên bắt giam và những gì đã xảy ra tại Bình Nhưỡng. Anh cũng gửi lời cảm ơn tới chính phủ Thuỵ Điển vì đã giúp mình rời khỏi Triều Tiên an toàn.
Sigley, người đang theo học Thạc sĩ tại trường Kim Nhật Thành, hôm 4/7 được trả tự do sau hơn một tuần "mất tích" ở Bình Nhưỡng. Sau khi rời Triều Tiên, Sigley tới Đại sứ quán Australia tại Bắc Kinh, Trung Quốc và sau đó bay về Tokyo, Nhật Bản đoàn tụ với người vợ Yuka Morinaga.
Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton hôm nay cũng cảnh báo Sigley rằng anh không nên quay trở lại Triều Tiên. "Tôi cho rằng cậu ấy sẽ không đặt bản thân vào tình huống tương tự một lần nữa. Sự việc có thể đã kết thúc rất khác", Dutton nói.
Sigley (phải) và người vợ Yuka. Ảnh: SMH.
Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 27/6 đưa tin Alek Sigley mất tích ở Bình Nhưỡng và nghi ngờ anh bị bắt giam. Do không thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, Australia đã nhờ nước thứ ba hỗ trợ là Thuỵ Điển.
Sau khi phái viên Thuỵ Điển Kent Harstedt đến Bình Nhưỡng để thuyết phục, Triều Tiên đã thả tự do cho Sigley nhưng không đưa ra lời giải thích.
Sigley không phải người nước ngoài đầu tiên bị Triều Tiên bắt. Năm 2016, sinh viên người Mỹ Otto Warmbier bị tòa án Triều Tiên tuyên 15 năm lao động khổ sai với cáo buộc "chống phá nhà nước". Hơn một năm sau, Warmbier được trả về Mỹ và qua đời không lâu sau đó.
Vụ Warmbier đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng trong một thời gian dài, thậm chí hai bên còn liên tiếp đưa ra những lời khiêu khích với đối phương. Quan hệ hai nước chỉ được cải thiện sau các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hai năm qua.