Mục tiêu của Trump - Kim khi gặp nhau ở biên giới liên Triều là gì? Cả hai có cuộc gặp trực tiếp lần thứ ba. Kim Jong-un muốn phá vỡ bế tắc đàm phán còn Donald Trump cần có lợi thế để tái tranh cử.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trái, gặp Tổng thống Mỹ Trump tại DMZ ngày 30/6. Ảnh: Reuters.
"Kim Jong-un có thể coi cuộc gặp Donald Trump ở Khu phi quân sự (DMZ) là cơ hội để giành được sự nhượng bộ trực tiếp từ Tổng thống Mỹ trước khi xúc tiến đàm phán ở cấp làm việc", Leif-Eric Easley, phó giáo sư tại Đại học Ewha, Hàn Quốc, nói với ********* về lần gặp mặt thứ ba của lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên hôm 30/6.
Không khí trao đổi giữa Kim Jong-un và Trump hoàn toàn tốt đẹp. Ông chủ Nhà Trắng không ngần ngại bước qua đường phân định, trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên. Easley đánh giá việc Kim Jong-un nhanh chóng nhận lời gặp Trump ở DMZ thể hiện sự sốt sắng của lãnh đạo Triều Tiên.
"Dường như Kim Jong-un coi thời điểm cuối năm nay là hạn chót để tập hợp lại nhóm đàm phán sau thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội và nỗ lực giành được sự nhượng bộ của Mỹ, trước khi cả Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc trở nên bận rộn với bầu cử và các vấn đề nội bộ trong năm tới", ông Easley suy đoán.
Với Trump, bên cạnh việc tạo nên những "hình ảnh lịch sử ở DMZ" và được ca ngợi vì nỗ lực giảm căng thẳng ở Triều Tiên, ông cũng muốn tạo đà cho các thảo luận ở cấp làm việc giữa hai bên, theo chuyên gia của Đại học Ewha.
Lawrence Reardon, phó giáo sư, Đại học New Hampshire, Anh, cho rằng lãnh đạo Triều Tiên chấp nhận gặp Tổng thống Mỹ lần ba vì vẫn chưa đạt được các mục tiêu chính gồm dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, có hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh trên bán đảo và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
"Việc tái khởi động đàm phán bị ngưng trệ sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội là nhắm tới các mục tiêu này", Reardon nói. Bên cạnh đó, Kim Jong-un cũng muốn thể hiện cho quân đội và người dân Triều Tiên thấy mình là một lãnh đạo "được tôn trọng trên thế giới" khi gặp Trump, sau các cuộc trao đổi song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng về kết quả của cuộc gặp này. Douglas Paal, Trung tâm nghiên cứu Carnegie Endowment, Mỹ, cho rằng tình hình trong ngắn hạn sẽ không có tiến triển đáng kể, khi Kim Jong-un chỉ có thể thỏa hiệp "ở mức thấp nhất" để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt.
Theo Reardon, Tổng thống Trump có thể chấp thuận những thỏa thuận ít quan trọng mà Triều Tiên đưa ra, như việc Bình Nhưỡng tham gia trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào xem xét các cơ sở hạ tầng công khai của nước này.
Đổi lại, Washington sẽ dỡ bỏ một vài lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng. Reardon tin rằng Trump chỉ cần một chiến thắng ngoại giao để thuyết phục các cử tri trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2020 rằng ông là "một nhà lãnh đạo hiệu quả".
Miêu tả cuộc gặp giữa Trump và Kim hôm 30/6 là "nỗ lực tạo lập hòa bình không thực tế", giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, cho rằng hai bên chưa có những cơ sở vững chắc để tiến tới phi hạt nhân hóa. Ông dự đoán Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên sẽ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc tương tự nhằm mục đích "đánh bóng hình ảnh".
Vuving phân tích Triều Tiên chỉ có thể từ bỏ chương trình hạt nhân nếu nền kinh tế nước này lâm vào tình trạng kiệt quệ do các lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được cho là vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh và áp dụng các phương thức chuyển lậu dầu mỏ, than đá trên biển, khiến hiệu quả từ "chiến dịch gây sức ép tối đa" của Mỹ giảm hiệu quả.
Chuyên gia Easley nhận định trong các cuộc đàm phán tới đây, Mỹ sẽ khó chấp nhận "đi trước" trong việc nhượng bộ và nới lỏng lệnh trừng phạt với Triều Tiên để đổi lấy một "thỏa thuận nhỏ". Trong khi đó, một thỏa thuận lớn bao trùm toàn bộ chương trình hạt nhân Triều Tiên là điều Kim Jong-un sẽ không chấp thuận.
"Nhưng một thỏa thuận dựa trên khái niệm lớn hơn về việc phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon, bao gồm việc dỡ bỏ có thể kiểm chứng tất cả các cơ sở sản xuất plutonium và uranium của Triều Tiên, có thể là điều khả thi", Easley nói.