Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên dùng hình thức "Ngoại giao thư tín". Cả hai có vẻ như rất hài lòng về kiểu này. Cho tới nay, việc trao đổi thư giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không chỉ thường xuyên nhất trong trao đổi thư tín của hai người này với lãnh đạo các nước khác trên thế giới mà còn được quan tâm để ý đến và suy xét nhiều nhất.
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Điều này không có gì là khó hiểu vì nó là một chiếc hàn thử biểu về mối quan hệ cá nhân giữa hai người này nói riêng và cho tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên nói chung và vì chuyện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên động chạm trực tiếp tới chính trị an ninh và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới.
Trong số những người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng cũng đã có người từng gửi thư tới lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng phải đến thời ông Trump thì việc trao đổi thư tín giữa ông Trump và ông Kim Jong-un mới trở thành một kênh quan hệ và một công cụ xử lý quan hệ song phương cũng như đã giúp khởi động được tiến trình đàm phán hoà bình giữa hai nước này.
Ở cái kiểu "Ngoại giao thư tín" giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, có thể rút ra được hai nét độc đáo.
Thứ nhất, mỗi lần nhận được thư của nhau luôn thấy hai người rất vui mừng và phấn khởi. Họ dùng những tính từ đều biểu lộ cảm nhận mà ngay đến cả trong những mối quan hệ song phương tốt đẹp cũng ít khi được sử dụng. Ở đây ẩn hiện cả chủ ý lẫn sự khiên cưỡng nhất định, khiến người ngoài không thể không có sự hoài nghi nhất định về mức độ xác thực và mức độ diễn ở cả hai phía.
Thứ hai, hai người này trao đổi thư tín với nhau vào những thời điểm tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên bị trắc trở, trì trệ hoặc có nguy cơ bị đảo ngược nhưng thường sau đó tình trạng ấy chưa được khắc phục ngay. Điều này tạo cảm nhận như thể hai người kia sử dụng kiểu "Ngoại giao thư tín" này làm cái neo an toàn cho tiến trình kia, tức là làm cho nó không bị tụt lùi và không bị đảo ngược trong khi chưa thể tiến triển thêm được hoặc nhằm tìm kiếm cú hích mới cho nó tiến triển.
Mới đây nhất, ông Trump nhận được thư của ông Kim Jong-un. Ông Trump ngợi ca nó là bức thư "tuyệt vời". Sau đấy, ông Kim Jong-un nhận được thư hồi đáp của ông Trump mà ông Kim Jong-un tán dương nó có nội dung "xuất sắc".
Lần trao đổi thư tín này giữa hai người diễn ra trong bối cảnh tình hình khá phức tạp và nhạy cảm đối với cả hai bên, đồng thời cũng còn khá đặc biệt. Tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên trì trệ và thực sự bế tắc kiến giải để có thể tiếp tục tiến triển. Mỹ và Trung Quốc bất đồng quan điểm sâu sắc và xung khắc lợi ích quyết liệt trên các phương diện của mối quan hệ song phương. Quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng không được tốt đẹp. Khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản vào cuối tháng 6 này treo lơ lửng cho tới tận những ngày cuối cùng trước khi diễn ra hội nghị. Ông Trump phải trực diện với thách thức có thể được coi là lớn nhất và phức tạp nhất kể từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay là đối địch với Iran ở vùng Vịnh.
Trong bối cảnh tình hình như thế, ông Kim Jong-un lần đầu tiên tới thăm Nga kể từ khi lế nghiệp cha mình ở Triều Tiên năm 2011 và ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tới thăm Triều Tiên kể từ khi đàm nhận những cương vị quyền lực cao nhất ở Trung Quốc năm 2012. Rồi lại còn có chuyện ông Tập Cận Bình thăm Nga lần thứ 8. Chuyện riêng của các mối quan hệ song phương giữa các bên liên quan nhưng đều có tác động trực tiếp tới mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Cho nên có thể thấy với lần trao đổi thư tín vừa rồi, ông Trump và ông Kim Jong-un nhằm chủ yếu và trước hết vào 2 mục tiêu.
Thứ nhất, hai người này muốn tất cả các đối tác bên ngoài thấy là tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên hiện vẫn "sống thật" chứ không phải "đã chết", cho dù có thể chỉ là chết lâm sàng, và họ vẫn làm chủ cũng như kiểm soát được hoàn toàn tiến trình. Đồng thời, họ cũng còn khẳng định là mối quan hệ giữa cá nhân hai người mới là tác nhân quyết định nhất tới diễn biến cũng như kết cục cuối cùng của tiến trình này.
Thứ hai, bên này phân rẽ bên kia với các đối tác liên quan là Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, không để cho các đối tác này chơi con bài Triều Tiên khi lãnh đạo các nước ấy gặp ông Trump tới đây ở Osaka.
Cho nên có thể thấy được là tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên tuy trì trệ thế thôi nhưng bất ngờ có thể có được tiến triển mới. Chẳng phải ngay sau đấy đã dậy lên đồn thổi về cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3 trong thời gian tới hay sao?