Theo nguồn tin từ IMF, kinh tế Mỹ trong năm 2019 có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo đưa ra trước đó, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ngày 6/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế Mỹ trong năm 2019 có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo đưa ra trước đó, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Trong báo cáo đánh giá về nền kinh tế Mỹ công bố hằng năm, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Mỹ lên 2,6%, tăng 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 7 tới cũng được dự báo sẽ đánh dấu giai đoạn tăng trưởng dài hơi nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo IMF, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đặt ra mối đe dọa đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây tác động dây chuyền lên nhiều quốc gia khác, đang được hai bên nỗ lực giải quyết.
Tuy nhiên, các chuyên gia IMF một lần nữa cảnh báo những nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ, trong đó có nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng. Ngoài ra, IMF cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ.
Theo IMF, thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở Mỹ chỉ tăng 2,2% kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước, ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng 23% tính theo bình quân đầu người. Trong khi đó, tài sản và phân bố thu nhập cũng đang ngày càng bị phân hóa. Khoảng 40% số hộ gia đình nghèo nhất ở Mỹ có khối tài sản thấp hơn so với năm 1983.
Trên cơ sở những rủi ro này, thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2020 sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 2%.
Trước đó, hồi đầu tuần, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay xuống 6,2%, giảm 0,1% so với dự báo hồi tháng 4. Hôm 5/6 vừa qua, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde hối thúc các chính phủ ưu tiên giải quyết bất đồng thương mại, với lý do căng thẳng thương mại leo thang đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vốn đã bắt đầu giảm tốc.
VietBF © sưu tầm