Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu cấm đồ nhựa sử dụng một lần trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm.
10 sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm đĩa, gậy bóng bay, hộp nhựa đựng thức ăn và đồ uống, dao nhựa, dĩa nhựa, ống hút và thìa muỗng nhựa, 90% chai nhựa sẽ được tái chế vào năm 2025. Dự luật cũng đề ra mục tiêu giảm 25% đối với những sản phẩm nhựa chưa có sản phẩm thay thế vào năm 2025. Dự Luật được phê duyệt vào thứ Tư 22-5-2019, sẽ có hiệu lực vào năm 2021.
Ô nhiễm rác thải nhựa không còn là vấn đề riêng của quốc gia nào mà nó trở thành vấn đề của toàn cầu. Những năm qua, đã có không ít các công trình nghiên cứu chứng minh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa lại ngày càng đáng báo động.
Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018: mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.
Theo ước tính, với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; đã và đang trở thành thách thức lớn đối với môi trường.