Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Nga dự thượng đỉnh với Tổng thống Putin. Trong khi Kim Jong-un muốn gây áp lực lên Mỹ khi hoạt động ngoại giao giữa hai bên đang bế tắc thì Putin lại muốn mở rộng ảnh hưởng tại Đông Á.
Kim Jong-un lên tàu để khởi hành đến Nga ngày 23/4. Ảnh: KCNA.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 23/4 rời Bình Nhưỡng đến vùng Viễn Đông Nga để dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Putin.
Cuộc gặp tại Vladivostok, diễn ra hai tháng sau khi cuộc đàm phán giữa ông Kim và Tổng thống Trump tại Hà Nội kết thúc mà không có kết quả, mang đến cho cả ông Kim và ông Putin cơ hội gửi thông điệp tới Washington.
Đối với ông Kim, mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moskva giúp Triều Tiên có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân.
"Không phải là ông Kim là 'bạn thân' của Nga. Đây là một phần trong kế hoạch tăng cường ngoại giao với các bên khác để gây áp lực lên Washington", Sue Mi Terry, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
Khi mối quan hệ Nga - Mỹ đang căng thẳng về khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria và Nga và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khủng hoảng Triều Tiên là chủ đề hiếm hoi mà Moskva và Washington có thể tìm thấy điểm chung. "Có những lĩnh vực mà Washington và Moskva có thể hợp tác và Triều Tiên là một trong số đó", Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, bình luận.
Andrei Lankov, chuyên gia Nga về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, nói rằng Nga luôn muốn trở thành người chơi quan trọng trong khu vực nhưng họ thiếu ảnh hưởng ở cả Washington lẫn Bình Nhưỡng để thực sự đưa mình vào tiến trình ngoại giao giải quyết khủng hoảng Triều Tiên.
Nga từng đề xuất với Mỹ về "kế hoạch hành động chung" để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Mỹ không ủng hộ vì lo sợ rằng nó có thể trở thành cơ chế để Nga thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Vì vậy, Putin sẽ sử dụng cuộc họp thượng đỉnh với Kim Jong-un để mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Đông Á và báo hiệu rằng Kremlin nên có một chân trong bất kỳ cuộc thương lượng lớn nào với ông Kim.
Putin muốn gửi thông điệp tới Washington - cũng như Bắc Kinh và Seoul - rằng "Nga nên được tham gia việc xử lý vấn đề Triều Tiên", Trenin nói.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters.
Nga có biên giới với Triều Tiên và giống như Mỹ, họ phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Họ lo ngại chương trình hạt nhân có thể dẫn đến những sự cố đe dọa an ninh của Nga.
Tuy nhiên, Moskva có quan điểm xử lý khủng hoảng khác Mỹ. Họ cho rằng cách tiếp cận hiện tại của Mỹ không hiệu quả và Mỹ cần nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Nới lỏng trừng phạt là mục tiêu hàng đầu của Kim Jong-un. Artyom Lukin, giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok dự đoán khi ông Kim gặp ông Putin, ông sẽ đề cập đến vấn đề này. Nhưng Moskva khó có khả năng thực hiện được mong muốn đó. Việc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh trên trường quốc tế của Nga.
Tuy nhiên, ông Putin có thể hứa hẹn với ông Kim rằng Nga sẽ không ủng hộ Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới. "Ông Kim có cơ hội nhận được hỗ trợ chính trị và kinh tế từ ông Putin", Lukin nói.
Tháng trước, Nga chuyển 2.200 tấn lúa mì cho Triều Tiên qua Chương trình Lương thực Thế giới. Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng gọi đây là động thái để hạn chế tác động của "các lệnh trừng phạt bất lợi từ một số nước".
"Lợi ích lớn nhất Kim Jong-un có thể nhận được là nâng cao hình ảnh và vị thế của mình, vì đây là một cuộc họp thượng đỉnh với một trong những lãnh đạo quyền lực nhất thế giới", John Park, chuyên gia từ trường Kennedy tại Đại học Harvard, nói.
VietBF © sưu tầm