Nhiều công nhân lao động Việt Nam làm việc cho các thương hiệu may mặc thế giới phải sống trong tình trạng đói nghèo. Dù làm việc thêm giờ thì lương cũng không đủ sống.
Các nhà vận động bảo vệ quyền của người lao động hôm thứ Năm 11 tháng 4 cho biết đang yêu cầu các thương hiệu thời trang Hoa Kỳ và Liên Âu phải ngừng áp dụng các thủ thuật khắc nghiệt nhằm kéo thù lao của người thợ xuống thấp, đẩy hàng triệu công nhân lao động vào tình trạng đói nghèo.
Thống kê của nhà cầm quyền Cộng sản cho thấy Việt Nam đang là một trong các quốc gia hội tụ các nhà máy và hệ thống dây chuyền sản xuất, cung cấp hàng may mặc thời trang lớn nhất thế giới trong đó có hơn 6,000 nhà máy đang thuê mướn hơn 3 triệu người. Kết quả cuộc nghiên cứu của Hiệp Hội Lao Động Bình Đẳng đặt trụ sở tại Hoa Kỳ cho thấy thời gian làm việc phụ trội của người lao động dài thêm 50 tiếng đồng hồ mỗi tháng mà không có một ngày nghỉ, và họ vẫn phải vất vả kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Nhiều người trong số 13,000 công nhân ngành dệt may Việt Nam cho biết mặc dù kiếm được gấp đôi mức thù lao tối thiểu nhưng vẫn không đủ chi phí cho những nhu cầu thiết yếu. Chủ tịch Hiệp Hội Lao Động Bình Đẳng, Sharon Waxman nói rằng các công ty thương hiệu phải tránh áp dụng các thủ thuật khắc nghiệt trong khi thương lượng với các nhà cung cấp của Việt Nam nhằm buộc người lao động làm việc thêm giờ phụ trội quá mức.
Bà Sharon Waxman cũng nói rằng nhà cầm quyền CSVN cần tăng mức lương tối thiểu và các công ty thương hiệu phải xem xét lại chính sách giá để bảo đảm thù lao hợp lý cho người thợ. Công nhân ngành dệt may Việt Nam dưới chế độ cộng sản thường được trả mức lương cao hơn các quốc gia trong vùng như Cambodia và Bangladesh. Mức lương tối thiểu của công nhân Việt Nam hiện nay đã tăng từ 125 đến 180 Mỹ kim một tháng. Dù vậy, các cơ sở thương mại toàn cầu tiếp tục bị đặt trước áp lực phải cam kết không bóc lột sức lao động của người thợ trong khi toàn cầu đang nỗ lực kết thúc chế độ nô lệ thời hiện đại.
Đầu năm nay, các công ty thời trang Úc bị tổ chức thiện nguyện Oxfam chỉ trích vì đã áp dụng hệ thống bóc lột người thợ làm việc trong hệ thống dây chuyền cung cấp tại Bangladesh và Việt Nam. Các thủ thuật này bao gồm việc áp lực chủ nhân nhà máy trong giai đoạn đàm phán về giá qua việc sử dụng các hợp đồng ngắn hạn. Mức lương gọi là đủ sống khi đủ để trang trải và thoả mãn nhu cầu tối thiểu như thực phẩm, tiền nhà, học hành và bảo hiểm sức khoẻ.
Theo Alexander Kohnstamm, giám đốc Quỹ Thời Trang Bình Đẳng đặt trụ sở tại Amsterdam thì các công ty thương hiệu phải chịu trách nhiệm và đóng một vai trò giải quyết vấn đề nói trên.