Bất chấp Mỹ và EU lo ngại, Italia tỏ ra sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc. Mặc sự lo ngại của các đồng minh nhưng nước này vẫn giữ ý định tham gia vào Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.
Ký kết các thỏa thuận sẽ trao cho Rome một vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, để mở các tuyến đường thương mại từ châu Á đến châu Âu, Ngoại trưởng Ý Enzo Moavero Milanesi nói.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Sky TG24, ông Moavero Milanesi nói Italia có thể bảo vệ công dân và các công ty của nước mình, đồng thời làm kinh doanh tốt với một nước khác là cường quốc kinh tế. Ông nói thêm rằng Trung Quốc là một thị trường tiềm năng rất lớn của hàng hóa Italia và đất nước của ông chỉ đơn giản là cố gắng bắt kịp các đồng minh như Đức - hiện đang bán nhiều hàng hơn cho Trung Quốc so với Italia.
Con đường Tơ lụa mới dự định khôi phục và mở rộng các tuyến đường cổ đại. Màu đen: Vành đai kinh tế con đường tơ lụa. Màu đỏ: Sáng kiến con đường tơ lụa hàng hải.
Chính phủ Italia đang nỗ lực củng cố các điều khoản với các công ty Trung Quốc, liên quan đến các lĩnh vực từ ngân hàng đến năng lượng, trước chuyến thăm tới Rome của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này. Ông Tập dự định sẽ có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Italia từ 21-26/3.
Việc Italia mở rộng cánh cửa với Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc đã khiến Mỹ và Liên minh châu Âu lo ngại, khi một quốc gia G-7 ký kết các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc đại dự án của Trung Quốc, đưa lợi ích của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược như viễn thông và cảng biển.
Ông Moavero Milanesi cho biết chính phủ Italia cẩn thận theo dõi và bảo vệ các lĩnh vực chiến lược của mình, bao gồm quốc phòng và năng lượng.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 6/3 với tờ Financial Times, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italia Michele Geraci cho biết Rome đã lên kế hoạch ký kết một bản ghi nhớ hỗ trợ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc vào cuối tháng 3 này, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Italia.
"Các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc, nhưng có khả năng nó sẽ kết thúc vào đúng chuyến thăm của Chủ tịch Tập", ông Geraci nói trong cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng các sản phẩm ‘Made in Italia' có thể sẽ thành công hơn khi được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới".