Sau thượng đỉnh Trump - Kim, Triều Tiên sẽ phải phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon mới có thể thuyết phục được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Một nhà máy hạt nhân trong khu phức hợp Yongbyon của Triều Tiên hồi năm 2008. Ảnh: Reuters.
Trong gần 4 thập kỷ qua, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên hiển hiện rõ nhất tại một khu phức hợp rộng lớn náu mình ở vùng núi phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Nhưng tất cả có thể sẽ chấm dứt sau hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra ở Hà Nội ngày 27-28/2, theo Bloomberg.
Việc phá dỡ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon gần đây nổi lên như một thành tựu tiềm năng của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai. Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, tuần trước cho biết Kim Jong-un đã đồng ý đóng cửa nhà máy Yongbyon và chấp thuận để thanh sát viên quốc tế thị sát khu vực.
Nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc, Yongbyon mang giá trị biểu tượng như "viên ngọc quý" của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Được xây dựng vào năm 1979, tổ hợp này sản xuất plutoni và những vật liệu cần thiết khác để Triều Tiên thực hiện vụ thử bom nguyên tử đầu tiên hồi năm 2006.
Kim Jong-un tháng 9 năm ngoái đưa Yongbyon trở lại bàn thảo luận với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông bày tỏ thiện chí sẵn sàng chấp nhận "tháo dỡ vĩnh viễn" nhà máy này nhằm đổi lại "những động thái tương ứng" từ phía Mỹ. Theo cố vấn Moon Chung-in, Kim lúc bấy giờ còn cho phép thanh sát quá trình phá hủy nhà máy.
Một thỏa thuận nhằm đóng cửa Yongbyon trong cuộc họp thượng đỉnh lần này sẽ là thắng lợi hữu hình đầu tiên đối với Tổng thống Trump trong nỗ lực kiềm chế năng lực hạt nhân của Triều Tiên kể từ sau hội nghị hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore, dù Bình Nhưỡng từng đưa ra những lời hứa tương tự trước đây.
Siegfried Hecker, nhà khoa học hạt nhân từng chứng kiến hoạt động làm giàu urani tại Yongbyon, nhận xét việc đóng cửa và phá hủy cơ sở hạt nhân này là một "thành công lớn", giúp giảm đáng kể khả năng làm giàu urani của Triều Tiên.
Hàn Quốc cùng một số nước khác ủng hộ cách tiếp cận từng bước với Triều Tiên cho rằng việc tháo dỡ Yongbyon sẽ góp phần xây dựng niềm tin và khuyến khích những nhượng bộ lớn hơn từ Kim Jong-un. Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, tháng trước cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết tháo dỡ các cơ sở làm giàu "ngoài Yongbyon" tại những cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng các quan chức Hàn Quốc.
Khi đồng ý từ bỏ "viên ngọc quý" Yongbyon, lãnh đạo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ "đáp lễ" bằng việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt, quân bài mặc cả quan trọng nhất trên bàn đàm phán của Washington.
Tuy nhiên, động thái nhượng bộ này của Bình Nhưỡng vẫn là chưa đủ đối với yêu cầu "phi hạt nhân hóa đầy đủ, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược" mà chính quyền Trump yêu cầu lâu nay. Mặt khác, theo giới quan sát, thậm chí nếu đóng cửa Yongbyon, Kim Jong-un nhiều khả năng vẫn còn ít nhất một nhà máy bí mật khác có thể sản xuất lượng urani đủ để chế tạo 6 quả bom nguyên tử mỗi năm.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng quá trình phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon đòi hỏi các cuộc đàm phán nhạy cảm về thời gian cũng như địa điểm mà thanh sát viên có thể đặt chân tới. Việc các thanh sát viên kiểm tra hàng chục tòa nhà trong Yongbyon có thể mất nhiều tuần và quá trình phá hủy hoàn toàn nhà máy thậm chí còn lâu hơn thế. Những bất đồng hoàn toàn có thể nảy sinh trong thời gian này. Một thập kỷ trước, những cuộc đàm phán như vậy đã sụp đổ.
Chun Yungwoo, cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc từng giúp xây dựng một trong những thỏa thuận đóng cửa Yongbyon, cho hay Triều Tiên giờ đây đã thay đổi mục tiêu tập trung sang chế tạo đầu đạn tốt hơn và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới Mỹ.
Triều Tiên có lẽ đã tích trữ đủ vật liệu phân hạch để tiếp tục hầu hết các chương trình hạt nhân của mình, ngay cả khi họ đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất nhiên liệu khác, Chun nhận định. "Giá trị tương đối của Yongbyon và các nhà máy làm giàu bên ngoài Yongbyon hiện không đáng kể", Chun nói.
Triều Tiên từng hai lần đồng ý ngừng các hoạt động hạt nhân và để thanh sát viên quốc tế tới kiểm tra các cơ sở nguyên tử để đổi lấy viện trợ trước khi Kim Jong-un lên nắm quyền, một lần vào giữa những năm 1990 và một lần vào giữa những năm 2000. Nhưng trong cả hai lần, những động thái này đều không dẫn tới được thỏa thuận phi hạt nhân hóa và nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng ta đều muốn chắc chắn rằng việc 'đóng cửa Yongbyon' là toàn diện và không thể đảo ngược càng triệt để càng tốt", Melissa Hanham, chuyên gia về giải trừ vũ khí hạt nhân kiêm giám đốc dự án Datayo thuộc Quỹ Tương lai Một Trái Đất, bình luận. "Chúng ta không muốn lặp lại những sai lầm trong quá khứ".
VietBF © sưu tầm