Mỹ bị nghi ngăn Liên Hợp Quốc hỗ trợ ngành hàng không Triều Tiên. Tướng Mỹ thừa nhận Triều Tiên vẫn là mối đe dọa. Do đó, Mỹ gây sức ép cũng vì mong muốn hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Một máy bay thuộc hãng Air Koryo của Triều Tiên chở các quan chức nước này hạ cánh xuống sân bay Gimpo ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc, với 192 quốc gia thành viên, đang hợp tác với Bình Nhưỡng để mở một tuyến bay mới đi qua không phận Triều Tiên và Hàn Quốc, Reuters hôm nay dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Nguồn tin tiết lộ thêm rằng ICAO, tổ chức có trụ sở tại Montreal, Canada, còn chuẩn bị để giúp Triều Tiên cải thiện hệ thống hàng không bằng cách hướng dẫn các buổi tập huấn cho nhân viên hàng không dân sự và quân sự nước này. Bình Nhưỡng cũng đề nghị ICAO cấp quyền truy cập các biểu đồ hàng không do Mỹ lập ra. Tuy nhiên, những nỗ lực này đều bị Washington ngăn chặn.
Các hãng hàng không hiện phải tiến hành các chặng bay gián tiếp, tránh đi qua Triều Tiên nhằm đề phòng mối đe dọa từ các vụ phóng tên lửa không báo trước, tình huống mà một số hành khách đi máy bay từng chứng kiến.
Nếu không phận Triều Tiên được đảm bảo an toàn, các hãng hàng không quốc tế có thể tiết kiệm nhiên liệu và thời gian trên một số tuyến giữa châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này cũng giúp Bình Nhưỡng phục hồi ngành hàng không thương mại của mình.
Động thái hạn chế ngành hàng không là một phần trong kế hoạch duy trì sức ép của các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng mà Washington đang tiến hành, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đang tới gần.
"Mỹ sẽ duy trì chặt chẽ tất cả áp lực để đảm bảo không có lỗ hổng nào cho tới khi phía Triều Tiên đưa ra hành động tương xứng với lợi ích mà họ nhận được", một nguồn tin giải thích. Các bên liên quan đều chưa đưa ra bình luận về thông tin của Reuters.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào 27-28/2. Washington được cho là đang tìm kiếm những cam kết cụ thể từ phía Bình Nhưỡng trong việc từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt để phát triển kinh tế.