Vietbf.com Phó thủ tướng CSVN đã có mặt tại Bình Nhưỡng. Chiều 12/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến thủ đô Bình Nhưỡng bắt đầu chuyến thăm Triều Tiên.Theo kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam ngày 27-28/2 tới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa, phía trước) tới sân bay quốc tế ở Bình Nhưỡng ngày 12/2/2019.
"Phái viên của tôi vừa rời khỏi Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và đã thống nhất về thời gian và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh lần hai với Kim Jong-un. Cuộc gặp sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27 và 28/2", ông Trump viết trên Twitter.
Mỹ từng giao tranh với Triều Tiên trong cuộc chiến 1950 - 1953. Về mặt lý thuyết, cuộc chiến này chưa kết thúc vì các bên chỉ ký hiệp định ngừng bắn chứ chưa ký hiệp ước hòa bình.
Trump và Kim Jong-un lần đầu tiên gặp thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Triều Tiên đã dừng thử vũ khí nhưng hai nước không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa, do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này. Tổng thống Mỹ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần hai sẽ giúp hai nước xóa bỏ các bất đồng và đạt được bước tiến thực chất.
Theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, người có nhiều năm nghiên cứu về Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Việt Nam là điều không đáng ngạc nhiên.
Ban đầu, Mỹ và Triều Tiên ủng hộ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của họ tại thủ đô quốc gia đang giữ chức Chủ tịch ASEAN. Đó là lý do tại sao Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Năm nay, Thái Lan giữ chức Chủ tịch ASEAN và Bangkok nằm hàng đầu trong danh sách những địa điểm khả thi.
Tuy nhiên, việc Thái Lan đang bước vào đợt bầu cử lần đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 có thể khiến việc đảm bảo an ninh trở nên phức tạp. Trước đó, nhà vua trị vì lâu năm của Thái Lan cũng qua đời, nhường ngôi lại cho Thái tử. Những điều này khiến Bangkok bị loại khỏi danh sách chọn lựa.
Về phần mình, Việt Nam sẽ đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. "Ý nghĩa thực sự của việc lựa chọn địa điểm không phải là hội nghị sẽ diễn ra ở Hà Nội hay Đà Nẵng mà là diễn ra tại Việt Nam. Điều này cho thấy tất cả các bên liên quan, bao gồm Mỹ, Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc đều tin tưởng Việt Nam là một nước chủ nhà đáng tin cậy", Giáo sư Thayer nhấn mạnh.
Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều ủng hộ đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ. Việc Hội nghị thượng đỉnh lần 2 được tổ chức tại Việt Nam giúp Trung Quốc và Hàn Quốc dễ dàng theo dõi.
Theo giáo sư Thayer, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội giúp nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam. Đây cũng là nơi có Đại sứ quán Triều Tiên.