Thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Venezuela đã khiến cho Mỹ buộc phải trình lên hội đồng Bảo An dự thảo để bầu TT mới cho Venezuela. Tuy nhiên điều này đang bị Nga phản đối. Dưới đây là 1 số thông tin đáng chú ý. Theo bản sao mà AFP có được hôm 9/2, dự thảo nghị quyết Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bày tỏ "sự ủng hộ hoàn toàn cho quốc hội với tư cách là thể chế được bầu cử dân chủ duy nhất ở Venezuela". Dự thảo cũng nhấn mạnh "sự quan ngại sâu sắc với bạo lực và sử dụng bạo lực quá mức của lực lượng an ninh Venezuela đối với người biểu tình ôn hòa, không vũ trang".
Văn bản này cũng kêu gọi "bắt đầu ngay một tiến trình chính trị đưa đến bầu cử tổng thống tự do, công bằng và đáng tin cậy dưới sự quan sát của quốc tế và phù hợp với hiến pháp Venezuela", đồng thời yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hỗ trợ để bầu cử diễn ra.
Mỹ cho rằng cần phải ngăn chặn tình hình nhân đạo ở Venezuela xấu đi và cung cấp sự hỗ trợ cho những người có nhu cầu trên toàn lãnh thổ Venezuela. Lô hàng viện trợ nhân đạo của Mỹ đã đến thành phố Cucuta của Colombia, khu vực giáp biên giới với Venezuela. Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không cho phép lô hàng vào đất nước vì cho rằng đây là tiền đề cho cuộc xâm lược của Mỹ.
Nga sau đó đề xuất một nghị quyết thay thế cho nghị quyết Mỹ, các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho biết. Nghị quyết thể hiện "lo ngại về các mối đe dọa sử dụng bạo lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị của Venezuela" và chỉ trích "nỗ lực can thiệp vào các vấn đề thuộc quyền hạn trong nước của Venezuela".
Dự thảo của Nga cũng kêu gọi một giải pháp "hòa bình" cho tình hình bế tắc ở Venezuela,"ủng hộ tất cả sáng kiến nhằm đạt được giải pháp chính trị giữa những người Venezuela đối với tình hình hiện tại thông qua một tiến trình đối thoại quốc gia chân thực và toàn diện".
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao nói rằng nếu bỏ phiếu, dự thảo nghị quyết của Nga sẽ thể không đạt được tối thiểu 9 phiếu để được thông qua. Ngay cả khi đạt được số phiếu cần thiết, dự thảo cũng sẽ bị các quốc gia có quyền phủ quyết như Mỹ, Anh, Pháp bác bỏ.
Cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm ở Venezuela trở nên căng thẳng hơn sau khi lãnh đạo đối lập đồng thời là chủ tịch quốc hội Juan Guaido tự nhận là "tổng thống lâm thời" hôm 23/1. Guaido hôm 8/2 cho biết ông không loại trừ khả năng cho phép Mỹ can thiệp để buộc Tổng thống Maduro phải từ bỏ quyền lực và giảm nhẹ khủng hoảng nhân đạo.
Guaido nhận được sự ủng hộ từ Mỹ và khoảng 50 quốc gia, trong khi Maduro được các tướng lĩnh quân đội cùng nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia công nhận là lãnh đạo hợp pháp.
|