Đây là dự báo về bức tranh châu Á, năm 2019. Nó có gì đặc biệt? Một tiến sĩ người Việt sẽ cho chúng ta những dự báo này.
Năm 2018 qua đi cùng rất nhiều biến động ở những điểm nóng trên phạm vi toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng. Rất nhiều những mâu thuẫn của năm này có thể vẫn tiếp tục và ảnh hưởng lớn đến bức tranh của châu Á năm 2019.
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng đặc trưng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018 đó là việc vẫn giữ được vị trí là đầu tàu kinh tế và trọng tâm toàn cầu đang dịch chuyển về đây. Mỹ điều chỉnh chính sách sang châu Á; Pháp, Ấn Độ, Nga cũng tái cân bằng sang khu vực này. Như vậy châu Á đang trở thành điểm để các nước lớn cạnh tranh.
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Tuy nhiên, khu vực này cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cạnh tranh nước lớn ở khu vực tăng lên, do các nước lớn đều điều chỉnh chính sách chiến lược với khu vực. Mỹ điều chỉnh chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật tăng cường quan hệ với ASEAN, Úc tăng cường các hoạt động với khu vực, Trung Quốc, Nga cũng có những điều chỉnh chính sách với khu vực. Điều này tạo nên các nét mới mà buộc các nước trong khu vực phải thận trọng vì có nguy cơ đứng trước việc phải chọn bên và khó cân bằng.
Tiến sỹ Trần Việt Thái nhận định, điều nổi bật nhất năm 2018 với toàn thế giới nói chung và với châu Á nói riêng là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đây là một trong những sự kiện có tính tác động trên toàn cầu. Cuộc chiến thương mại này có nguồn gốc sâu xa là từ cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung nhưng bước vào giai đoạn mới. Đặc biệt là từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền và có điều chỉnh chính sách của Mỹ thì quan hệ Mỹ-Trung có ảnh hưởng và điều này tác động đến quan hệ toàn cầu.
Tình hình bán đảo Triều Tiên năm nay cũng đã thay đổi. Nếu như năm ngoái diễn biến ở bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng thì năm nay các bên đã đi vào đàm phán, tình hình tiến triển và đây thực sự là điều bất ngờ. Đỉnh cao là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên ngày 12/6. Và hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng góp phần làm cho vấn đề Triều Tiên lắng xuống, nguy cơ chiến tranh giảm đi. Đây là xu hướng tích cực.
“Trong năm 2018, ASEAN có nhiều thành công. Dưới vai trò chủ tịch của Singapore, ASEAN đã khẳng định được vị thế ngày càng tăng trong quan hệ với các nước lớn, tiếp tục xây dựng cộng đồng và duy trì khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng là khu vực hoà bình, ổn định”, tiến sỹ Thái nhận định.