Hai lần Trung Quốc xử tử công dân Canada buôn ma túy. Canada và một số nước đồng minh gây sức ép để TQ phải thay đổi quyết định. Tuy nhiên, TQ vẫn rất kiên quyết với phán quyết ban đầu.
Robert Lloyd Schellenberg tại tòa ngày 14/1. Ảnh: AFP.
Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg ngày 14/1 bị tuyên án tử hình vì tội buôn ma túy tại tòa án ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Schellenberg bị bắt vào năm 2014 với cáo buộc vận chuyển hơn 200 kg ma túy đá. Schellenberg có 10 ngày để kháng cáo, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông sẽ đề nghị Bắc Kinh khoan hồng.
Việc Trung Quốc tuyên án tử với công dân Canada từng có tiền lệ và Bắc Kinh khi đó đã bác bỏ đề nghị khoan hồng của cựu thủ tướng Stephen Harper và cựu toàn quyền David Johnston.
Guy Saint-Jacques, đại sứ Canada tại Trung Quốc năm 2012-2016, cho biết hai công dân Canada nói trên bị bắt vì hai vụ buôn ma túy riêng biệt ở Quảng Đông. Ông đã tham gia vào nỗ lực bảo hộ công dân nhưng không nhớ tên đầy đủ của họ.
Hai người này mang hai quốc tịch Trung Quốc và Canada. Một người vào Trung Quốc bằng hộ chiếu Canada, người kia đến bằng giấy tờ đi lại của Trung Quốc. Trong trường hợp thứ hai, Trung Quốc không công nhận người này có hai quốc tịch và đối xử với ông như một công dân Trung Quốc.
Thủ tướng Canada khi đó, Stephen Harper, trực tiếp nhắc đến trường hợp của hai người khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2014. Ông Tập nhấn mạnh với lãnh đạo Canada rằng Trung Quốc coi buôn bán ma túy là tội ác rất nghiêm trọng và họ xử lý đúng theo luật pháp Trung Quốc.
Vài tuần sau, ông Harper lại gửi thư đến Trung Quốc để đề nghị khoan hồng. Lá thư được trao ngay trước ngày thi hành án của một công dân. Tuy nhiên, Canada không thể cứu vãn được tình hình. Các quan chức Canada được phép thăm lãnh sự lần cuối còn công dân vẫn bị hành hình đúng theo kế hoạch. Vụ xử tử thứ hai diễn ra vài tuần sau.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Trung Quốc kết án tử hình hàng nghìn người mỗi năm. Bắc Kinh không tiết lộ số người bị hành hình.
Trong thập niên qua, những người từ Uganda, Hàn Quốc, Nhật Bản và Kenya đã nhận án tử hình vì phạm tội liên quan đến ma túy. Năm 2016, thượng viện Nigeria báo cáo rằng 120 công dân lĩnh án hình tử ở Trung Quốc.
Maya Wang, nhà nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh vốn nổi tiếng là cứng rắn với tội phạm ma túy. Năm 2017, có 2,55 triệu người sử dụng ma túy ở Trung Quốc, tăng 2% so với năm trước.
Tuy nhiên, người phương Tây thường được hưởng án nhẹ hơn và đối xử tốt hơn khi bị giam, nhằm giảm bớt căng thẳng quan hệ ngoại giao và tránh sự chỉ trích quốc tế, Wang nói.
Ban đầu, Schellenberg dường như cũng được hưởng sự nhân nhượng như vậy. Ngày 20/11, anh ta bị kết án 15 năm tù nhưng kháng cáo. Phiên tòa tái thẩm diễn ra trong tuần này, hơn một tháng sau khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Trong phiên tòa này, Schellenberg bị kết án tử hình vì thẩm phán cho rằng bản án 15 năm tù là quá nhẹ.
Các công dân phương Tây từng bị Trung Quốc xử tử là những người không sinh ra ở phương Tây: Năm 2009, công dân Anh Akmal Shaikh gốc Pakistan bị xử tử vì mang theo 4 kg heroin ở sân bay Urumqi, khu tự trị Tân Cương. Năm 2010, một người Pháp gốc Lào cũng bị kết án tử hình.
Vì vậy, việc Trung Quốc tuyên án tử hình với Schellenberg - người sinh ra ở Canada làm dấy lên câu hỏi: trường hợp của Schellenberg có phải là một ví dụ về sự đáp trả chính trị hay là gợi ý rằng giờ đây Trung Quốc sẽ đối xử với những kẻ phạm tội ma túy phương Tây tương tự với phần còn lại của thế giới?
Saint-Jacques nói rằng việc Trung Quốc tăng án với Schellenberg nhằm gửi thông điệp đến Canada. "Chính phủ cần phải chuẩn bị kế hoạch A và kế hoạch B trong trường hợp căng thẳng tiếp tục leo thang", Saint-Jacques nói.