Việc TQ tiến hành bắt 1 công dân Canada với tội danh liên quan tới ma túy đang là vấn đề mà cả 2 bên thực sự quan tâm. Trong diễn biến mới đây TQ rất có thể sẽ xét xử công dân này nếu bị kết án có thể sẽ bị tử hình. Dưới đây là những thông tin cụ thể hơn.Công dân Canada bị cáo buộc buôn ma túy tại Trung Quốc có thể lĩnh án tù nặng hơn khi tòa Liêu Ninh yêu cầu xét xử lại vụ án.Các công tố viên của Tòa thượng thẩm tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc ngày 29/12 cho rằng mức án 15 năm tù giam đối với công dân Canada Lloyd Schellenberg là quá nhẹ với tội danh cố gắng vận chuyển chất ma túy tổng hợp ra khỏi thành phố, theo Washington Post. Schellenberg thậm chí có thể đối mặt án tử hình khi bị xét xử lại trong thời gian tới.
Schellenberg bị bắt giữ tại Trung Quốc từ cuối năm 2014 và phiên tòa xét xử anh này được bắt đầu từ năm 2016. Bị cáo đã đệ đơn kháng án sau khi tòa trung cấp Liêu Ninh ngày 20/11 đưa ra phán quyết 15 năm tù.
Năm 2009, một công dân Anh đã bị Bắc Kinh tử hình vì vận chuyển 4kg heroin vào Trung Quốc, trong khi Schellenberg bị cáo buộc buôn lậu tới 200 kg methamphetamine. Theo tuyên bố của tòa thượng thẩm, các công tố viên đã thu thập được chứng cứ cho thấy Schellenbergcó khả năng tham gia tổ chức buôn bán ma túy quốc tế cũng như đóng vai trò quan trọng trong đường dây này.
Quyết định của tòa án Liêu Ninh được đưa ra khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Canada tăng cao trong những tuần qua do các vụ bắt công dân của nhau. Canada hôm 1/12 bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Mỹ cáo buộc bà Mạnh vi phạm các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt với Tehran. Bà Mạnh được tại ngoại hôm 11/12 sau khi nộp 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh.
Trung Quốc cũng bắt hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Sparov, động thái bị giới quan sát cho là "trả đũa" dù Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Công dân Canada thứ ba, được xác định là Sarah McIver, bị bắt vì "làm việc bất hợp pháp" tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trường hợp McIver được cho là ít nghiêm trọng hơn so với những người đồng hương của cô.
Ngoài ra, việc chính phủ Trung Quốc bất ngờ mời nhiều hãng thông tấn nước ngoài đến đưa tin phiên xử phúc thẩm Schellenberg, trong khi các phiên trước không có sự tham gia của cơ quan truyền thông nào, khiến dư luận không khỏi suy đoán rằng Bắc Kinh đang sử dụng vụ án này để gây áp lực với Ottawa.
|