California trả 1 USD/giờ cho tù nhân tham gia chữa cháy rừng. Hơn 40 người thiệt mạng trong vụ cháy rừng "như địa ngục" này. Tù nhân được trả tiền và ra tù trước thời hạn khi tham gia chữa cháy rừng.
Một tù nhân tham gia chữa cháy rừng ở Redding, California hồi tháng 7. Ảnh: AFP.
California là bang phải hứng chịu những vụ cháy rừng lớn nhất và cũng là nơi có số lượng tù nhân đông nhất nước Mỹ. Bang này đang trải qua vụ cháy rừng lịch sử sau khi đám cháy bùng phát hôm 8/11 ở bìa rừng quốc gia Plumas, đông bắc thành phố Sacramento, hạt Butte, đã xóa sổ thị trấn Paradise, khiến hơn 40 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích, theo NBC.
Hồi tháng 8, vụ cháy rừng ở hạt Mendocino, bắc California đã thiêu rụi 146 ngôi nhà và khi đó được xem là vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử của bang. Khoảng 14.000 lính cứu hỏa được huy động chữa cháy ở Mendocino, trong đó có hơn 2.000 tù nhân. Khoảng 200 tù nhân hiện cũng tham gia chữa cháy ở Butte.
Tù nhân tham gia chữa cháy là một phần trong chương trình cứu hỏa tình nguyện do Cơ quan Phục hồi Nhân phẩm và Tái hòa nhập Cộng đồng bang California (CDCR) phát động. Các tù nhân được trả 2 USD/ ngày khi tham gia chương trình và được trả thêm 1 USD/ giờ vào ngày họ chữa cháy, trong khi lính cứu hỏa chuyên nghiệp được trả 33,26 USD/ giờ. Ngoài ra, tù nhân cũng được ra tù trước thời hạn.
"Mỗi tù nhân tình nguyện được đánh giá riêng để tham gia chương trình. Họ phải không có hành vi bạo lực, ngay cả khi bị kết án vì tội bạo lực", đại diện CDCR Vicky Waters cho biết. "Các tình nguyện viên phải có tình trạng "bị giam tối thiểu" và không được xem xét nếu họ phạm tội phóng hỏa, giết người, bắt cóc, cưỡng hiếp, tấn công tình dục hoặc có vấn đề sức khỏe".
Tình nguyện viên tù nhân sống trong trại gần các khu rừng tự nhiên. Mỗi đội gồm 12-14 người và do một đội trưởng quản lý. Họ làm các công việc như phát quang bụi rậm để giảm nguy cơ hỏa hoạn, làm sạch kênh tiêu lũ, cống thoát nước, dọn sạch đường mòn. Khi tham gia chữa cháy, họ không được sử dụng vòi nước vì lính cứu hỏa chuyên nghiệp sẽ làm việc này. Thay vào đó, họ dùng các dụng cụ cầm tay như cưa máy, rìu và làm sạch khoảng thực vật xung quanh đám cháy. Tù nhân cũng có nhiệm vụ tuần tra sau khi đám cháy tắt để đảm bảo lửa không bùng lên sau khi họ rút đi.
Tù nhân trại Oak Glen lên đường làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Ảnh: AFP.
Chương trình này bắt đầu từ năm 1915, khi CDCR lần đầu thiết lập các trại lao động để buộc tù nhân xây dựng đường sá và đường cao tốc. Chương trình được mở rộng trong Thế chiến II và đến năm 1945, chương trình lính cứu hỏa tù nhân ra đời. Hiện, CDCR, Sở cứu hỏa California và đơn vị cứu hỏa Los Angeles cùng điều hành 43 trại ở 27 hạt với khoảng 3.400 tù nhân.
Theo CDCR, chương trình đã giúp bang tiết kiệm khoảng 90-100 triệu USD mỗi năm, dù một số người chỉ trích lo ngại rằng lợi ích tài chính từ lao động tù nhân rẻ khuyến khích việc giam giữ hàng loạt. Trong một cuộc chạy đua cho ghế phó thống đốc California, Gayle McLaughlin từng gọi chương trình này là " lao động nô lệ ".
Tuy nhiên, CDCR khẳng định chương trình này giúp đỡ bang và các tù nhân. "Chương trình trại cứu hỏa giúp tù nhân tích lũy kỹ năng cứu hỏa, lao động tích cực trong môi trường nhóm", Waters nói. "Đó có thể là một phần quan trọng trong phục hồi nhân phẩm tù nhân khi họ thi hành án với CDCR".
Dù chương trình giúp tù nhân giảm tái phạm và cải thiện kỹ năng, những tù nhân này đều không thể trở thành lính cứu hỏa chuyên nghiệp sau khi ra tù. Theo luật của bang California, lính cứu hỏa phải có giấy chứng nhận EMT nhưng các cơ quan cấp EMT thường tù chối đơn của những người có tiền sử phạm tội.
Nhiều người cũng chỉ trích những chương trình kiểu này vì đặt tù nhân vào nguy hiểm. Cũng giống như nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp, các tù nhân cứu hỏa phải đối mặt nguy cơ nghiêm trọng khi thực hiện nhiệm vụ. 6 lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi chữa cháy ở California hồi tháng 8.
"Khi các tù nhân làm tình nguyện viên, chúng ta phải hoàn toàn đảm bảo rằng họ thực hiện nhiệm vụ một cách tự do và tự nguyện", David Fathi, giám đốc Dự án Nhà tù Quốc gia ACLU, nói . "Điều đó đặc biệt quan trọng khi công việc họ làm rất nguy hiểm, chẳng hạn như chữa cháy rừng."