Đoán bệnh qua thói quen đại tiện không phải ai cũng biết. Nên đi đại tiện bao nhiêu lần? Màu sắc của phân giúp bạn đọc được tình trạng sức khỏe chuẩn không cần chỉnh.
Cách đi đại tiện và hình trạng phân không chỉ gợi ý những vấn đề về sức khỏe mà còn giúp nhận biết hệ tiêu hóa của chúng ta có hoạt động bình thường không. Dưới đây là một số cách giúp bạn nhìn chất thải của mình để đọc tình trạng sức khỏe, theo Men's Health.
Nên đi đại tiện bao nhiêu lần?
Các chuyên gia hầu như không đưa ra con số cụ thể về tần suất nên đi cầu. Bà Uma Pisharody, tiến sĩ nghiên cứu hệ tiêu hóa tại Seattle, Washington (Mỹ) cho biết: "Không thể đưa ra một con số chính xác về tần suất đại tiện vì điều đó phụ thuộc vào mỗi người". Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nếu tần suất đi đột ngột thay đổi.
Phân nên trông thế nào?
Phân thường tươi, ẩm và không có hình dạng cố định. Tiến sĩ Pisharody nói thêm: "Phân không nên có hình dạng và chiều dài giống ruột già, nếu phân hình trụ thì chứng tỏ chúng đã ở bên trong cơ thể bạn quá lâu rồi."
Để chấm điểm hình dạng phân, các nhà khoa học đã phát triển biểu đồ Bristol Stool, trong đó chia tình trạng phân thành 7 nấc từ táo bón cho đến tiêu chảy. Tiến sĩ Najwa El-Nachef, phó giáo sư y khoa tại Đại học California và Khoa Tiêu hóa tại Trung tâm Y khoa Đại học California, San Francisco, cho biết: "Mức lý tưởng của phân người là từ 3 đến 5".
Muốn nhận biết ruột già còn phân hay không, bạn hãy chú ý đến một số triệu chứng như đầy bụng hoặc mùi lạ. Bên cạnh đó, nên ăn nhiều rau và uống thêm nước.
Trong phân nên có gì?
"Chất" phân phụ thuộc vào đồ ăn, thức uống. Nếu bị mất nước, phân của bạn sẽ cứng và khô hơn bình thường. Phân cứng, vón thành cục nhỏ, gây đau đớn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị táo bón. Nếu chất thải có hình xúc xích và mềm với các vết nứt thì cho thấy bạn đang có một chế độ ăn uống đủ chất, đủ nước.
Màu sắc phân có ý nghĩa gì?
Phân có nhiều màu sắc khác nhau, từ vàng, xanh lá cây đến nâu, tất cả màu này đều rất bình thường. Màu sắc phân phụ thuộc vào lượng mật và tốc độ di chuyển của phân trong hệ thống tiêu hóa của bạn. Nếu nhanh thì phân sẽ có màu vàng sáng hơn trong khi nếu di chuyển chậm, nó sẽ có màu nâu đậm.
Theo tiến sĩ Pisharody, có ba màu phân cần chú ý như sau:
- Đỏ: Phân lẫn máu, chứng tỏ bạn bị trĩ, rách trực tràng hoặc polyp tăng trong ruột và cần đi khám ngay. Tuy nhiên, nếu thấy phân đỏ sau khi ăn củ đền hoặc thanh long đỏ thì bạn không cần lo lắng.
- Đen: Máu đã trộn với chất thải trong một thời gian dài. Đây là dấu hiệu của viêm loét dạ dày.
- Trắng: Có thể ống mật bị tắc nghẽn khiến mật không thể di chuyển từ gan đến ruột. Trường hợp này rất nguy hiểm và cần được chữa trị ngay. Tuy nhiên, dấu hiệu này ít xuất hiện ở người trưởng thành.
Phân cung cấp cho chúng ta một kho tàng thông tin về hệ thống tiêu hóa, chế độ ăn uống và sức khỏe. Bạn hãy nhớ rằng không có quy tắc nào cho việc đại tiện, nhưng hãy đi gặp bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ thay đổi bất thường nào.