Những công trình tại khu vực Tân Cương được Trung Quốc khẳng định là các trung tâm đào tạo nghề. Tuy nhiên nơi này mới đây bị cáo buộc là nơi giam giữ người của Trung Quốc. Trung Quốc lên tiếng giải thích về việc này.
Báo cáo do Quỹ Jamestown, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, công bố hôm 5/11 cho biết ngân sách Trung Quốc năm 2017 đã tăng gần 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD), tương đương 213% so với mức cũ, để xây dựng những công trình bị nghi nhằm mục đích an ninh tại khu tự trị Tân Cương, Reuters đưa tin. Kết quả dựa trên dữ liệu chính thức về ngân sách của chính phủ Trung Quốc.
"Ngân sách của Tân Cương không nhằm mục đích tăng cường chi tiêu cho đào tạo nghề bởi khu vực này đang đẩy mạnh xây dựng các trại. Chúng cũng không giúp đưa những vụ án hình sự cho tòa án và công tố viên xử lý", Adrian Zenz, người soạn thảo bản báo cáo, cho biết.
Zenz nhận định số tiền dùng để xây dựng và vận hành các trại cải huấn chính trị được thiết kế để giam hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo với quy trình nhanh chóng. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh rằng "các trung tâm đào tạo nghề" của họ tại Tân Cương giúp dạy các kỹ năng làm việc và kiến thức pháp lý nhằm hạn chế chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Báo cáo phát hiện ra rằng bất chấp mục tiêu chính phủ đặt ra đối với các trung tâm đào tạo, hiệu quả về việc làm không được cải thiện đáng kể. Zenz tiết lộ thêm rằng hoạt động tại các cơ sở dường như không được quản lý hoặc chi trả bởi hệ thống đào tạo nghề. Chính quyền Trung Quốc chưa phản hồi về báo cáo.
Những báo cáo về việc giam hàng loạt và giám sát chặt chẽ người Duy Ngô Nhĩ cũng như các cộng đồng Hồi giáo khác khiến Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức và công ty liên quan tới cáo buộc này. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, nói rằng một số công dân "phạm tội nhỏ" được đưa tới trung tâm dạy nghề để tạo cơ hội việc làm cho họ.