Trong chuyến thăm đơn vị giám sát Biển Đông, Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu xem xét mọi tình huống phức tạp và lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Chiến lược khu phía Nam hôm 25/10. Ảnh: Xinhua.
"Cần phải tăng cường nhiệm vụ và tập trung vào việc chuẩn bị chiến đấu", CCTV dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Chiến lược khu phía Nam hôm 25/10, nhấn mạnh rằng đơn vị này phải mang "trách nhiệm quân sự nặng nề" trong những năm gần đây.
Chuyến thị sát Bộ Tư lệnh Chiến lược khu phía Nam, đơn vị giám sát Biển Đông và cùng Bộ Tư lệnh Chiến lược khu phía Đông giám sát Đài Loan, diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc đang có chuyến thăm 4 ngày tại tỉnh Quảng Đông nhằm mục đích củng cố niềm tin trong bối cảnh suy thoái kinh tế và tranh chấp thương mại, chiến lược với Mỹ tăng lên.
"Chúng ta cần xem xét tất cả tình huống phức tạp và lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp phù hợp, đẩy mạnh các bài tập sẵn sàng chiến đấu, diễn tập chung, các bài tập đối đầu để tăng cường khả năng cho quân nhân và công tác chuẩn bị cho cuộc chiến", ông Tập nói.
Tuyên bố của ông Tập được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa cho biết nước này "sẽ không bao giờ từ bỏ một centimet chủ quyền", kể cả những khu vực như đảo Đài Loan và trên Biển Đông, và cảnh báo "những thách thức lặp đi lặp lại" đối với vấn đề chủ quyền về Đài Loan cực kỳ nguy hiểm, sẽ dẫn tới hành động quân sự.
Giới quan sát cho rằng bài phát biểu của ông Tập nhằm củng cố nhuệ khí quân đội và lặp lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Biển Đông. "Đây có thể là tín hiệu cho Mỹ và bất cứ bên nào Bắc Kinh cảm thấy đang hành động khiêu khích ở Biển Đông", Collin Koh, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết
Nhà phân tích Zhou Chenming ở Bắc Kinh cũng đồng tình với quan điểm này. "Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bởi Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo và có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa hai nước tại vùng biển này", Zhou nói.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông và tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đến thực hiện quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Trung Quốc tháng trước điều một tàu chiến thuộc lớp Lữ Dương II (Type 052C) nhằm cản trở khu trục hạm USS Decatur của Mỹ tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh sự cố chạm mặt giữa tàu chiến hai nước là một ví dụ điển hình về hành vi nguy hiểm của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất, có thể dùng đến vũ lực nếu cần thiết. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã xấu đi sau khi bà Thái Anh Văn, người ủng hộ độc lập, đắc cử năm 2016.
Therealrtz © VietBF