Một giả thuyết của chuyên gia công nghệ Wilson đã củng cố thêm, khi chứng tỏ hình ảnh "chiếc MH370" có thể đã được vệ tinh của Google chụp lại và cập nhật nhiều lần kể từ năm 2014 đến nay sau khi phát hiện ra điểm nghi vấn trong thời gian hiển thị trên ảnh vệ tinh đã tìm thấy hy vọng mới trong cuộc tìm kiếm máy bay MH370.
Trước đó, từng có giả thuyết cho rằng máy bay MH370 bị rơi xuống biển Ấn Độ Dương. Ảnh minh họa: The Daily Beast.
Daily Stars đưa tin, mới đây, chuyên gia công nghệ người Anh Ian Wilson đã tuyên bố chuẩn bị lên đường sang Campuchia để đích thân tìm kiếm tung tích của chiếc máy bay MH370.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, anh Wilson đã công bố phát hiện mới của mình về những hình ảnh được cho là xác một chiếc máy bay rơi trong rừng rậm Campuchia. Điểm đặc biệt là kích thước của "chiếc máy bay này" có vẻ trùng khớp với thông số của chiếc Boeing 777-200 từng biến mất bí ẩn cách đây 4 năm.
Tuy nhiều chuyên gia về hàng không nghi ngờ giả thuyết trên của anh Wilson, nhưng phát hiện của chuyên gia công nghệ người Anh này đã đem đến hy vọng cho rất nhiều gia đình có người thân gặp nạn trên chuyến bay.
Mới đây, anh Wilson đã chỉ ra điểm đáng nghi mới trong thời gian hiển thị trên các tấm ảnh vệ tinh của Google. Dữ liệu mới nhất thuộc bản quyền của Google Earth được đề năm 2018, với mốc thời gian hiển thị gần nhất là tháng 3/2017
Tuy nhiên, tuần trước, thời gian hiển thị của các hình ảnh này trên phần mềm Google Maps lại là tháng 12/2015.
Hình ảnh tương tự của "chiếc máy bay" trong rừng rậm Campuchia cũng từng được phát hiện hồi năm 2014. Điều này đã dấy lên nhiều nghi vấn về thời gian vệ tinh của Google chụp được bức ảnh này
Chuyên gia công nghệ Wilson cho rằng điều này đã củng cố thêm cho giả thuyết của anh, khi chứng tỏ hình ảnh "chiếc MH370" có thể đã được vệ tinh của Google chụp lại và cập nhật nhiều lần kể từ năm 2014 đến nay.
Wilson và người em trai đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chuẩn bị khởi hành chuyến thám hiểm truy tìm tung tích máy bay MH370 của mình trong 2 tuần tới.
Trái với sự háo hức của Wilson, chuyên gia hàng không và học giả trường Đại học Mở Yijun Yu cho biết, "phát hiện" của chuyên gia người Anh nhiều khả năng là do lỗi hệ thống, hoặc do Google chưa cập nhật hình ảnh tại địa điểm này.
Ông Yu giải thích rằng mốc thời gian được Google liệt kê chưa chắc đã trùng khớp với thời điểm vệ tinh chụp được hình ảnh trên.
"Nếu các vệ tinh của Google chụp được hình ảnh này từ năm 2014, thì điều đó có thể là họ chưa từng cập nhật hình ảnh trong suốt 4 năm qua, hoặc đơn giản là lỗi hệ thống", ông Yu nói.
Tuy vậy, ông vẫn kêu gọi Google đưa ra lời giải thích về nghi vấn này, đồng thời đề xuất các nhà chức trách hoặc cơ quan có thẩm quyền điều máy bay không người lái theo dõi hành trình của chuyên gia người Anh Wilson.
"Phát hiện" mới nhất được đưa ra trong thời gian gần đây về chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines là của thiếu niên 17 tuổi Daniel Boyer. "Chiếc máy bay thứ 2" này nằm không xa vị trí của "xác máy bay" đầu tiên được anh Wilson phát hiện qua Google Maps.
Kích cỡ của "chiếc máy bay" được anh Wilson phát hiện được cho là trùng khớp với thông số của MH370. Ảnh: Daily Stars.