Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định việc Washington liên tục gây sức ép kinh tế lên Nga và Trung Quốc khiến hai quốc gia này ngày càng xích lại gần nhau.
Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và giám đốc EDD Li Shangfu vì mua các máy bay chiến đấu Nga Sukhoi Su-35 và tổ hợp tên lửa S-400.
Mỹ đã trừng phạt Trung Quốc vì nước này vi phạm lệnh trừng phạt với Nga bởi những hành động của Nga ở Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị nội bộ Mỹ, theo BBC. Động thái này được Mỹ thực hiện trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang ở giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm.
Bắc Kinh từng tuyên bố không tham gia vào các lệnh trừng phạt Matxcơva của Mỹ và đồng minh phương Tây bắt đầu từ năm 2014. Không những vậy, quân đội Trung Quốc còn tham gia vào các cuộc tập trận chung với Nga, gần đây nhất là cuộc tập trận Vostok-2018 hồi đầu tháng 9/2018.
Có thể thấy rằng, trong khi hai cường quốc kinh tế và quân sự Nga-Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, thì Tổng thống Trump dường như đang lún quá sâu vào các lệnh trừng phạt kinh tế, thương mại với hai quốc gia này. Việc Mỹ lần đầu tiên tuyên bố trừng phạt một nước thứ ba (lại là Trung Quốc) vì vi phạm lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Nga cho thấy Washington đang đi nước bài tạo áp lực tối đa, muốn bẻ gãy liên quan hệ Bắc Kinh-Matxcơva.
Tuy vậy, theo giới quan sát, động thái này của Washington chỉ làm Nga-Trung thêm xích lại gần nhau, khi mà lãnh đạo 2 nước đã gặp mặt tới 3 lần chỉ trong vòng 4 tháng vừa qua.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông. (Ảnh: Reuters)
Gần đây nhất, cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông diễn ra đúng vào thời điểm Nga triển khai cuộc tập trận Vostok-2018 với quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Hàng nghìn quân nhân Trung Quốc đã tham gia vào cuộc diễn tập quân sự này. Tại thành phố Vladivostok, Nga 2 nhà lãnh đạo đã nói về việc định hình lại thế giới theo tầm nhìn của riêng họ.
"Ông Putin và ông Tập có chung quan điểm khi nói đến khái niệm cơ bản của một trật tự thế giới như mong muốn", ông Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow viết trong một bài xã luận đăng trên tờ China Daily của Trung Quốc.
Tầm nhìn chung của họ bao gồm "một trung tâm quyền lực độc lập thay vì quyền độc tôn bá chủ, bảo vệ chủ quyền chế độ khỏi ảnh hưởng chính trị và tư tưởng nước ngoài và hoàn toàn bình đẳng giữa các quốc gia, bao gồm cả Mỹ", ông Trenin viết.
"Tổng thống Putin và tôi đồng ý rằng từ đầu năm nay, quan hệ Nga-Trung đã cho thấy một sự tăng trưởng năng động", Chủ tịch Tập nói khi đang cùng ông Putin làm món bánh truyền thông Blini của Nga. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng mối quan hệ Nga-Trung đã bước vào một kỷ nguyên phát triển nhanh chóng và đạt tới một cấp độ cao hơn.
Cả 2 nhà lãnh đạo đều chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ thương mại, ám chỉ tới các chính sách của Tổng thống Trump.
Hôm 17/9, Trung Quốc hứng chịu đòn thuế bổ sung mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang nhiều tháng qua khi Tổng thống Trump tuyên bố bắt đầu đánh thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh từ ngày 24/9.
Nga vẫn đang phải đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm 2014. Các biện pháp trừng phạt gia tăng nặng nề hơn sau khi Washington cáo buộc Matxcơva can thiệp cuộc bầu cử năm 2016.
Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng lên mức 87 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm nay, theo Tổng thống Putin.
"Chúng ta có một mối quan hệ đáng tin cậy trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng. Chúng tôi biết rằng cá nhân ông cũng hết sức quan tâm tới sự phát triển trong quan hệ Nga-Trung Quốc", Tổng thống Putin nói khi bắt đầu cuộc hội đàm song phương với ông Tập Cận Bình hôm 11/9 tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga.
Một số chuyên gia tin rằng chính Mỹ đang đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn trong hợp tác quân sự, kinh tế, ngoại giao khi áp đặt lệnh trừng phạt lên Matxcơva, tham gia vào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, tăng cường tập trận chung NATO ở vùng giáp ranh với Nga hay tăng cường hiện diện ở Biển Đông để cảnh báo sự bành trướng của Trung Quốc.
VietBF © Sưu tầm