Hiện nay Mỹ hạn chế cấp thị thực cho một số quan chức và công dân Campuchia. Bởi vì Washington cho rằng cuộc bầu cử ngày 29/7 "không công bằng và tự do". Thủ tướng Hun Sen giành được tất cả các ghế quốc hội, đó là điều nghi vấn.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) chuẩn bị bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở Takhmao, tỉnh Kandal. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi nhấn mạnh lời kêu gọi chính phủ Campuchia có hành động thiết thực nhằm thúc đẩy hòa hợp quốc gia bằng cách cho phép các tổ chức truyền thông độc lập và các tổ chức dân sự xã hội thực hiện vai trò quan trọng của mình", AFP ngày 16/8 dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi ủy ban bầu cử Campuchia ngày 15/8 thông báo đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen giành được tất cả 125 ghế quốc hội. Ông Hun Sen tuần trước bác bỏ cáo buộc "gian lận phiếu bầu và thổi phồng số liệu" của phe đối lập.
Mỹ đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục hạn chế cấp thị thực vào Mỹ đối với một số cá nhân Campuchia, bao gồm cán bộ nhà nước và những người không làm việc trong bộ máy chính quyền, "chịu trách nhiệm cho những hành động rõ ràng chống lại dân chủ trước thềm bầu cử".
Lệnh hạn chế này có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái sau khi tòa án tối cao Campuchia giải tán đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc (CNRP) theo đề xuất của chính phủ Thủ tướng Hun Sen và ra lệnh bắt giữ ông Kem Sokha, lãnh đạo đảng CNRP với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hạn chế nhập cảnh đối với các cá nhân mà họ cho là liên quan tới việc làm suy yếu nền dân chủ tại Campuchia. Trong một số trường hợp nhất định, các thành viên trong gia đình của những người có liên quan cũng sẽ bị hạn chế cấp thị thực.