Đằng sau hình ảnh những khán đài đầy khán giả là 1 sự thật ít người biết. Bạn có biết rằng các sân thể thao đôi khi ẩn chứa những bí mật mà nếu không phải người trong ngành bạn sẽ khó lòng biết tới?
1. Xây dựng trên những bãi rác thải
Rất nhiều sân vận động (SVĐ) thể thao ngày nay được xây dựng trên những bãi rác cũ, ví dụ như sân Comiskey Park ở Chicago hay sân Giants ở New Jersey (Mỹ).
Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu bạn tìm thấy hàng trăm loại rác thải nằm dưới những đấu trường này. Thoạt nhìn, đây có vẻ như một ý tưởng tốt để cải tạo những bãi rác cũ. Tuy nhiên có rất nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các vận động viên (VĐV) cũng như khán giả.
Vào thập niên 1980, tờ Washington Post đưa tin bốn VĐV của đội tuyển bóng bầu dục New York Giants được chẩn đoán ung thư, và kỳ lạ là bệnh phát tác cùng một giai đoạn. Việc này được cho là không bình thường, và không ít người tin rằng đó là do họ sử dụng sân tập được xây trên các bãi chôn rác thải.
Nhưng tất nhiên, đó chỉ là giả thuyết không có căn cứ thôi.
2. Đội bắn tỉa thường trực
Ngày nay, hầu hết các SVĐ lớn trên thế giới đều tăng cường lực lượng an ninh bằng cách bố trí những đội bắn tỉa trực trên những khu vực cao.
Đây có vẻ như đã trở thành một thủ tục an ninh tiêu chuẩn và bắt buộc, đặc biệt là trong các sự kiện đặc biệt có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, chính trị gia hoặc người nổi tiếng.
3. Quầy đồ ăn không sạch lắm đâu
Mỗi SVĐ đều có những quầy bán đồ ăn và nước uống phục vụ khán giả đến xem thể thao. Tuy nhiên, một điều tra của kênh truyền hình thể thao ESPN cho thấy những nhà bếp tại đây không hề sạch sẽ chút nào.
Việc các nhân viên nấu nướng với bàn tay không được rửa sạch, máy móc bẩn, gián trèo lên cả những máy làm soda… đã trở thành chuyện rất đỗi bình thường. Dù chưa có nghi nhận về bất kì bệnh dịch nào phát tán, nhưng điều tra của ESPN trên 107 SVĐ tại Bắc Mỹ cho thấy 28% trong số đó đã từng có ít nhất một lần vi phạm nghiêm trọng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Ảnh hưởng khá nặng nề tới môi trường
Tạp chí Forbes đã chỉ ra rằng các sự kiện thể thao lớn trên thế giới - đặc biệt là Olympic - thường để lại gánh nặng lớn đối với tài nguyên và môi trường.
Mỗi sự kiện lớn sẽ tạo ra hàng núi rác thải, tiêu thụ một nguồn điện và nước khổng lồ. Ngoài ra, lượng khí carbon thải ra cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với hành tinh của chúng ta.
Đây rõ ràng là một trong những vấn đề cần được chính phủ giải quyết trong tương lai.
5. Một số không hề có an toàn cháy nổ
Ngoài việc rất nhiều SVĐ có thiết kế đặc biệt gây khó khăn cho việc giữ an toàn phòng cháy chữa cháy, thì những sân cũ cũng thường không được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết.
Mặc dù ngày nay, nhiều SVĐ đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề này, nhưng vẫn còn những trường hợp cá biệt. Như SVĐ của ĐH Bang Georgia vào năm 2017 chẳng hạn, một cuộc điều tra đã cho thấy hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đây hoàn toàn không đáp ứng được tiêu chuẩn. Thậm chí, họ còn chẳng buồn trang bị đủ luôn.
6. Phá hủy các khu dân cư
Thực tế là rất nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hoặc nhà ở thu nhập thấp, phải di dời để nhường chỗ cho những sân vận động khổng lồ được xây lên.
Như Olympic Rio 2016 đã khiến 800 ngôi nhà phải di dời, và làm xáo trộn cuộc sống của hàng nghìn người. Điều này chứng tỏ những đấu trường thể thao không hề là một nơi thân thiện với các khu dân cư.
7. Tiếng ồn gây hại cho thính giác
Các sự kiện thể thao thường đi kèm với những tiếng động lớn, kéo dài trong một thời gian dài, và điều này gây ảnh hưởng không tốt chút nào cho thính giác của bạn.
Theo thống kê, tiếng ồn được gây ra bởi đám đông trung bình rơi vào khoảng 80 đến 90dB. Và đã có nghiên cứu chứng minh nếu bạn tiếp xúc với tiếng động với cường độ 85dB liên tục trong vòng 8 giờ, thính giác sẽ bị tổn thương mãi mãi.
Thực tế cho thấy, đôi khi tiếng ồn tại các SVĐ có thể lên đến 100dB. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến thính giác, tốt hơn hết bạn hãy chuẩn bị cho mình những dụng cụ bịt tai nếu muốn trực tiếp hòa mình vào không khí cổ vũ đội bóng mình yêu thích.