Hiến tạng là việc làm nhân đạo. Nhưng tử tù hiến tạng lại là việc khác. Hiện nay tại Mỹ, việc tù nhân nói chung và tử tù nói riêng hiến nội tạngđã và đang gặp phải nhiều vấn đề gây tranh cãi, liên quan tới khía cạnh pháp lý, y học và đạo đức.
Ở Mỹ, nhà tù thường không cho phép các tù nhân hiến tạng cho bất kỳ ai trừ thành viên gia đình họ.
Không có luật cấm tù nhân hiến tạng, song từ những năm 1990, cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực cấy ghép y tế không khuyến khích việc làm này bởi những lo ngại về nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm ở trong môi trường nhà tù.
Việc cho phép tử tù hiến tạng vẫn còn gây tranh cãi ở Mỹ (Ảnh minh họa).
Các bác sĩ và những nhà đạo đức học ở Mỹ cũng thường xuyên lên tiếng chỉ trích ý tưởng cho tù nhân hiến tạng vì có thể mở ra nguy cơ thao túng bởi những động cơ bất chính nhằm ép tù nhân đồng ý hiến tạng để đưa bán vào thị trường chợ đen.
Ngoài ra, nhiều tù nhân sẽ không đủ điều kiện hiến tạng do tuổi tác, bởi phần lớn những tù nhân đều chết ở độ tuổi trên 50.
Tuy nhiên, với những tiến bộ trong công nghệ thử nghiệm hiện tại, y học có những cách an toàn để nhận biết nội tạng của người mắc bệnh truyền nhiễm, do đó nhiều tù nhân có thể tự nguyện đồng ý hiến tạng.
Có nhiều ý kiến cho rằng với những biện pháp y tế đảm bảo cùng với sự thực rằng có hơn 2 triệu tù nhân ở Mỹ thì đây là một giải pháp giúp cho tình trạng thiếu hụt nội tạng ở Mỹ.
Dù một số người phản đối với lập luận trên song thực tế đã cho thấy, thông qua chương trình mang tên “I do” do Cảnh sát trưởng Joe Marpaio của quận Maricopa bang Arizona khởi xướng, rất nhiều tù nhân đã đăng ký hiến tim và nhiều bộ phận nội tạng khác sau khi qua đời.
Đến giữa năm 2012, đã hơn 10.000 tù nhân tham gia đăng ký chương trình, chỉ tính duy nhất ở quận này.
Trong lịch sử Mỹ, vào năm 2001, tại bang Oregon đã xảy ra một vụ việc liên quan tới vấn đề này. Thời điểm đó, khi rơi vào cảnh khánh kiệt, Christian Longo đã đưa ra quyết định tàn độc là giết chết vợ và 3 đứa con nhỏ của mình. Sau khi tội ác kinh hoàng bị phát hiện, Longo đã bị tòa tuyên 4 tội giết người cùng án tử hình.
Christian Longo.
Sau nhiều lần trì hoãn do kháng án, tới tháng 3/2011, Longo đã viết một bức thư trần tình bày tỏ nguyện vọng hiến tạng sau khi chết. Bức thư “Cho đi sự sống từ án tử hình” đã khiến giới lập pháp, cộng đồng y học và dư luận Mỹ xôn xao.
“Tôi đã bị tuyên án tử hình vì giết vợ và ba đứa con. Tôi là kẻ có tội, tôi thấy hối hận và muốn bù đắp lại cho cuộc đời này. Chẳng bao giờ tôi có thể chuộc lại những tội ác mà mình gây ra nhưng tôi tin mình vẫn có thể giúp ích cho xã hội. Tôi đã hủy toàn bộ đơn kháng án và xin được hiến tạng sau khi lãnh án tử hình”, Longo viết trong lá thư.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến phản đối, ban quản lý nhà tù đã quyết định lời thỉnh cầu của Longo và khẳng định rằng quyết định đó phù hợp với lợi ích của cộng đồng.
Trên thực tế, việc cho phép tử tù hiến tạng vẫn đang tranh cãi rất nhiều ở Mỹ từ xưa tới nay, bởi nó liên quan tới nhiều góc độ gồm đạo đức, y học và luật pháp.
Ở góc độ y học và nhân đạo, ghép tạng thực sự là một phép màu đối với các bệnh nhân hiểm nghèo. Nó như cái “phao cứu sinh” đối với những người đang đứng trước cửa tử.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc cho phép tù nhân nói chung và tử tù nói riêng hiến tạng vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích từ giới y khoa bởi họ lo ngại về tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm trong môi trường nhà tù.
Ngoài ra, việc lấy tạng của tử tù có thể khiến các bác sĩ đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp.
Việc tử hình tù nhân trước khi lấy nội tạng có thể khiến làm hỏng những bộ phận mà họ sắp hiến tặng, do đó nhiều trường hợp bác sĩ phải quyết định lấy tạng trước khi án tử hình được thực thi, thậm chí quá trình phẫu thuật đó cũng là một phần của án tử (nếu tử tù muốn hiến bộ phận ảnh hưởng tới sự sống như trái tim).
Vì thế, đôi khi việc hiến tạng của tử tù khiến cho các bác sĩ trở thành những người “đao phủ” bất đắc dĩ phải hành động trái với đạo đức nghề nghiệp của họ.