Người Mỹ hoài nghi về phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên. Họ chưa thực sự tin Triều Tiên chịu từ bỏ hạt nhân. Có nghi ngờ được đặt ra có thể Triều Tiên còn gia tăng năng lực hạt nhân bí mật.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thị sát tỉnh Bắc Pyongan ngày 30-6 - Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong lúc này đã làm gì? Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30-6 đã đưa ra câu trả lời: ông Kim đi thăm Sindo - một huyện thuộc tỉnh Bắc Pyongan sát biên giới Trung Quốc.
Chuyến thăm hiếm hoi của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Sindo, nơi có đảo Hwangkumpyong nằm trên sông Áp Lục, nơi mà năm 2011 Trung Quốc và Triều Tiên thống nhất phát triển một đặc khu kinh tế, đã chuyển một thông điệp nhiều tầng nghĩa.
Triều Tiên có cơ sở hạt nhân bí mật?
Đài NBC của Mỹ ngày 29-6 dẫn lời 5 quan chức tình báo Mỹ giấu tên khẳng định Triều Tiên vẫn tiếp tục làm giàu uranium cấp độ cao để sản xuất vũ khí hạt nhân, ngay cả khi Bình Nhưỡng có các hoạt động ngoại giao với Mỹ.
Theo đó, Triều Tiên có nhiều hơn một cơ sở hạt nhân vốn đã được biết đến khá nhiều từ trước đến nay là Yongbyon. "Có bằng chứng rõ ràng cho thấy Triều Tiên đang cố gắng đánh lừa Mỹ" - một quan chức nói với NBC.
Cục Tình báo trung ương Mỹ từ chối đưa ra bình luận. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không thể xác nhận thông tin trên và không bình luận về các vấn đề liên quan tới tình báo. Nhà Trắng giữ thái độ im lặng trước yêu cầu bình luận.
Những ý kiến được dẫn ra trên NBC cho thấy thái độ trái chiều với niềm tin của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp lịch sử với ông Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo Mỹ khi đó khẳng định Triều Tiên "không còn là mối đe dọa hạt nhân" và mọi người đã có thể ngủ ngon.
Bất chấp các diễn biến tích cực gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên, bao gồm cả việc Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa - hạt nhân và phá hủy một bãi thử, cộng đồng tình báo Mỹ tiếp tục dành ánh mắt nghi ngờ cho Bình Nhưỡng.
"Những gì đang diễn ra là để đánh lừa Mỹ về số lượng các cơ sở hạt nhân, số lượng vũ khí và chủng loại tên lửa" - một quan chức tình báo cấp cao Mỹ nhấn mạnh với NBC.
Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hủy diệt ở Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), nhận xét thông tin của NBC rất đáng chú ý. Theo đó, từ trước đến nay Triều Tiên luôn được tin là có một cơ sở bí mật ngoài Yongbyon.
"Bài viết có biết có nhiều hơn một địa điểm bí mật, như vậy có nghĩa là Triều Tiên có tới ba cơ sở hạt nhân! Bình Nhưỡng có thể sẽ tiết lộ một trong hai cái như cam kết phi hạt nhân hóa trong lúc tiếp tục duy trì các cơ sở khác" - ông Jeffrey Lewis bình luận.
Tiếp tục cấm vận
Yếu tố kinh tế đang được Triều Tiên đặt lên hàng đầu vào lúc này. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới tỉnh Bắc Pyongan và trước đó là các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Trung Quốc là minh chứng cho điều này.
Theo báo Wall Street Journal, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ đến Triều Tiên trong tuần sau để bắt đầu các cuộc đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.
Hôm 28-6, ông Pompeo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, trong đó thảo luận về "các nỗ lực để đạt được mục tiêu chung về tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên".
Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng Bình Nhưỡng sẽ có một tương lai tươi sáng nếu từ bỏ hạt nhân, nhấn mạnh với ông Vương Nghị tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhắm vào Triều Tiên.
Ngay sau cuộc điện đàm với ngoại trưởng Trung Quốc, ông Pompeo cùng ngày 28-6 cũng gọi điện cho người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha, tiếp tục nhắc lại sự cần thiết phải duy trì áp lực cho tới khi Triều Tiên từ bỏ hạt nhân hoàn toàn.