Nếu bạn có cảm giác này, bạn phải nghĩ ngay đến bệnh mất cơ. Hãy cảnh giác khi bạn thấy yếu sức, đi chậm hơn trước, chuột rút, giảm cân không mong muốn...Đó là dấu hiệu cảu mất cơ.
Bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khối cơ bắp chiếm 50-60% trọng lượng cơ thể. Sự mất dần khối cơ xảy ra do quá trình lão hóa. Từ tuổi 40 trở đi, người lớn có thể tự nhiên mất đến 8% khối cơ mỗi thập kỷ. Giai đoạn từ tuổi 30 đã có thể mất 3-5% khối cơ mỗi 10 năm. Sau tuổi 70, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 15%.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao, ước tính năm 2030 khoảng 30 triệu người có nguy cơ bị mất cơ. Nhiều người lớn tuổi không nhận thấy các dấu hiệu về việc mất cơ khi chúng tăng dần theo số tuổi. Không ít người chỉ xem đó đơn giản là một phần của tuổi già, không nghĩ rằng có những cách để ngăn ngừa và giảm thiểu quá trình mất cơ.
Từ tuổi 40 trở đi, người lớn tự nhiên mất đến 8% khối cơ mỗi 10 năm. Ảnh: exercise.
Mất cơ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do suy dinh dưỡng, lười vận động, ngồi nhiều, bệnh tật, có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, sau chấn thương nặng... Mất 10% cơ có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mất 20% cơ gây suy yếu, làm mỏng da và giảm khả năng làm lành vết thương. Mất 30% cơ thì bạn không đủ sức ngồi, loét tì đè, lâu lành vết thương.
Nếu gặp 7 dấu hiệu này trong thời gian gần đây, có thể bạn đang bị mất cơ:
- Yếu sức.
- Đi chậm hơn trước.
- Sức bền kém.
- Giảm cân không mong muốn.
- Kiệt sức.
- Hoạt động thể chất kém.
- Đau người và chuột rút.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đáp ứng đủ lượng chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và vitamin D, vận động cơ hợp lý, tránh nguy cơ té ngã... có thể làm chậm hoặc đảo ngược quá trình mất cơ.