VBF-Hôm nay và ngày mai là hai ngày đàm phán thương mại của Mỹ-Trung. Nhưng ngay lúc này thì cả thế giới có thể thấy chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Như vậy cuộc đàm phán có kết quả tốt chỉ là điều khó dự đoán.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có loạt bài với nội dung như vậy trước cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước trong ngày hôm nay và ngày mai.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gửi thông điệp cho Mỹ trước thềm đàm phán thương mại
Global Times cho rằng: "Washington không nên kỳ vọng rằng, những đe dọa chiến tranh thương mại của họ sẽ buộc Bắc Kinh phải chấp nhận bất cứ điều gì mà phái đoàn Mỹ đưa ra. Cuộc đối thoại sắp diễn ra phải được tổ chức bình đẳng và phái đoàn Mỹ phải đến với sự chân thành.
Cuộc họp dự kiến giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 3 và 4 tháng 5 tại Bắc Kinh, sau khi căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang trong những tháng gần đây.
Phái đoàn của Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow. Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng có sự tham gia của một số quan chức cao cấp, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn và cố vấn kinh tế hàng đầu Liu He.
"Thành phần của phái đoàn Mỹ cho thấy tầm quan trọng mối quan hệ thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ. Trung Quốc sẽ không từ bỏ nguyên tắc của mình bất chấp áp lực từ phía Mỹ", Global Times cho biết.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các thực tiễn thương mại của Trung Quốc, báo buộc Trung Quốc không công bằng và chịu trách nhiệm cho việc làm trầm trọng thêm cán cân thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, Trump cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nhắc lại cam kết mở cửa nền kinh tế, bao gồm nới lỏng các quy tắc đầu tư cho các công ty ô tô nước ngoài và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng theo China Daily, những động thái này không được thực hiện để đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trung Quốc đang mở cửa vì điều này là cần thiết cho sự phát triển của chính Trung Quốc. Nếu làm như vậy, có thể thu hẹp cán cân thương mại với một số nước, thì có thể coi đây là một nỗ lực của Trung Quốc. Do đó, China Daily cho rằng, Mỹ nên nhượng bộ khi đàm phán với Trung Quốc.
"Nếu phái đoàn Mỹ đến Trung Quốc với niềm tin rằng quyết tâm mở cửa của Bắc Kinh ra thế giới bên ngoài là nhờ áp lực từ phía Mỹ, thì sẽ lãng phí rất nhiều thời gian để thay đổi suy nghĩ này", China Daily nhấn mạnh.