Mỗi vùng miền đều có những đặc sản tiêu biểu. Nếu du khách đến Nam Trà My, hẳn sẽ sởn gai ốc với những món ăn ở đây. Nếu bạn đến nơi này vào mùa mưa, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn quý hiếm nhưng không phải không rùng mình.
Vào mùa mưa những ấu trứng ếch, nhái trên dãy núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nở ra nòng nọc; sâu phát triển trong cây măng tre, nứa được người dân bắt làm món ăn. Với họ, đây là món ăn quen thuộc và quý hiếm, vì mỗi năm chỉ có vài tháng để thưởng thức.
Ra suối bắt đặc sản
Tôi quen Nam (quê ở Thanh Hóa) lên vùng cao huyện Nam Trà My, Quảng Nam làm công trình hơn chục năm trước. Vùng đất Nam ở là nơi xa xôi hẻo lánh, chủ yếu người dân tộc Xê Đăng sinh sống. Nam bám trụ ở công trường dài ngày và quen biết người con gái quê miền biển huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) lên xã Trà Cang buôn bán. Họ bén duyên thành vợ chồng rồi ở lại vùng đất này lập nghiệp.
Trước đây, Nam chưa biết đến những món ăn đặc sản của người dân Xê Đăng, trong đó có món nòng nọc nấu canh mà Nam cho rằng thấy thì “nổi da gà”. Nhưng Nam “nhập cư” lâu ngày đã hòa nhịp nhanh chóng. Chàng trai người xứ Thanh không nhớ biết ăn những “món lạ” từ lúc nào, chỉ nhớ mỗi lần lên nhà dân ở, họ đãi khách quý bằng món đặc sản.
Đêm xuống, người dân Xê Đăng, sống trên dãy núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) mang đồ nghề ra suối bắt nòng nọc
Ở đó, Nam nhìn thấy đã sợ mà không ăn thì chủ nhà cho rằng mình không tôn trọng, bởi người đồng bào đãi khách thì cái gì cũng phải ăn, còn không ăn họ phật lòng. “Ban đầu, tôi cũng e dè lắm nhưng tấm lòng của người dân dành cho mình không thể từ chối. Ăn một bữa rồi đến nhiều bữa nên nghiện các món ăn này lúc nào không hay”, Nam chia sẻ.
Nòng nọc là một loại ấu trùng của ếch, nhái sinh ra. Vào mùa chúng sinh sản cùng là lúc trong bữa ăn hàng ngày của người dân Xê Đăng không thiếu món này. Tuy nhiên, có nòng nọc đề ăn thì không hề đơn giản, người dân phải lên những ngọn núi có khe suối tìm.
“Nòng nọc ban ngày sống trong hốc đá nên khó bắt, chúng tôi chờ đêm xuống ra nó ngoài ăn mới bắt được. Mỗi người cầm trên tay đèn pin đi theo con suối tìm”, Nam kể. Nghe nói vậy nên tôi tò mò, muốn được theo chân chứng kiến và thưởng thức món đặc sản một lần.
Những đợt mưa rừng xuất hiện, ếch nhái sinh sản ra ấu trùng. Sau một tháng chúng lớn thành những con nòng nọc to bằng ngón tay, đầu chiếc đũa. Đêm xuống, Nam cùng một số “đồng nghiệp” theo các con suối, xung quanh rừng già bao phủ. Họ chiếu đèn tìm và dùng tay bắt hoặc dùng dụng cụ như vợt, tấm lưới xúc...
Dùng tay bắt nhiều con nòng nọc
Những nơi nước lớn, nòng nọc ở nhiều, khi phát hiện, họ tìm cách bới đất đá để nước chảy cạn. “Khi bắt phải đi từ dưới suối đi lên tránh việc nước đục chảy xuống không nhìn thấy chúng. Loại này thấy ánh sáng chiếu vào nó đứng yên nhưng tay đụng vào thân sẽ chạy thoát rất nhanh, do đó phải có kỹ năng mới đắt được”, anh Hồ Văn Thương, một người dân bản địa nói về kinh nghiệm.
Nhóm người của Nam lội khoảng 300 mét suối thì vớt được nửa thau nòng nọc. Những con to hơn ngón tay, thân mập ú, dài khoảng 3 cm. Khi đưa về, họ dùng lưỡi dao lam rạch bụng để tách ruột. Từng nhát cắt, ruột nòng nọc bắn tung tóe để lại phần cơ thể trơn bóng. “Nòng nọc bắt về phải làm ngay, còn để nó chết không ăn được. Công việc này mất khá nhiều thời gian, bởi nấu nguyên con ruột của nòng nọc đắng, rất khó ăn”, vợ của Nam đang làm thịt nòng nọc cho hay.
Tách bỏ ruột nòng nòng
Món ăn nòng nọc chế biến rất đơn giản, sau khi làm sạch ruột cho vào ít muối chà rửa sạch để ráo nước. Sau đó, đưa vào nấu. Nguyên liệu chỉ có ít hành phi với dầu mỡ. Người nấu dùng đũa đảo qua vài đợt rồi đổ nước nấu khoảng 10 phút. Để món ăn đậm đà, họ cho ít đồ nêm như mì chính, muối vào.
“Mình càng bỏ nhiều gia vị thì mất độ ngon nguyên chất của nòng nọc, do đó càng ít nguyên liệu bỏ vào thì thịt, nước nòng nọc mới ngon. Ở đây người dân ưa chuộng cách nấu này nhất”, vợ Nam bày tỏ.
Nồi canh nòng nọc đưa xuống, từng con một vẫn giữ nguyên hình hài ở trong nồi như lúc còn sống. Múc từng bát rồi cho vào miệng thưởng thức sẽ có cảm nhận thịt nòng nọc mềm như cá khoai, nước thì ngon ngọt đáo để.
Nòng nòng nọc bắt về sẽ làm liền, vì để lâu bị chết, nấu không ngon
Anh Hồ Văn Long, xã Trà Cang cho biết, lúc còn nhỏ đã theo người lớn tuổi trong gia đình bắt chúng. Anh không biết cha ông sử dụng nòng nọc làm thức ăn từ lúc nào, chỉ biết đến mùa bắt về làm thức ăn.
“Ngoài việc bắt ở khe suối, lúc cuốc đất trồng lúa nước sau đợt mưa, nòng nọc sống ở ruộng rất nhiều. Chúng tôi vừa làm, vừa bắt để ngày hôm đó, cả nhà có món ăn thay thế thịt cá”, anh Long nói.
Theo anh Long, nòng nọc là món siêu sạch, vì khe suối trên núi Ngọc Linh, ruộng lúa không có thuốc bảo vệ thực vật hay bị ô nhiễm. Nó cũng là món “siêu” bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, vừa ngon, vừa mát, giúp lợi sữa, còn với các cụ già sẽ giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc.
Tôi ngỏ ý muốn mua nòng đưa về xuôi nhưng anh Long lắc đầu, cả năm có được mấy tháng có chúng. Người dân đưa về ăn chưa không bán, chỉ khách quý mới được thết đãi. Hôm nào bà ăn nòng nọc là tối đó ngủ như quên trời đất, không trăn trở, nhức mỏi như ngày thường.
Béo ngậy sâu măng
Ở Nam Trà My những cánh rừng tre, nứa, lồ ô rất phát triển. Cùng lúc này, phụ nữ, đàn ông mang gùi, mang theo dao rựa lên rừng. Họ khai thác măng đêm về bán, phần nữa bắt sâu làm món ăn. Sau những ngày mưu sinh, đến bữa ăn trên mâm cơm của người dân bản có món đặc sản.
Anh Hồ Văn Thiết, xã Trà Cang chia sẻ, sâu măng có hai loại, một loại to bằng ngón tay, một loại bằng đầu chiếc đũa. Chúng ở trong cây măng ăn những phần non để lớn; loại ở trong cây măng lồ ô màu trắng, loại ở trong cây nứa thân nhỏ, màu vàng sẫm.
Anh Hồ Văn Thiết chẻ cây măng bắt sâu
Người dân nơi đây có kinh nghiệm để bắt chúng, giữa rừng tre nứa, họ đảo mắt nhìn để nhận dạng đoán nơi sâu ở. Rất đơn giản, cây măng nào bị khô héo phần ngọn hoặc phát triển chậm thì chắc chắn có sâu nằm phía trong.
Bắt sâu không khó nhưng để bắt được nhiều thì khá tốn công. Để bắt sâu ra ngoài, họ phải đốn hạ thân măng xuống, dùng dao rựa tách đôi ra. Khi chẻ từng nhát dao phải vừa phải, nếu mạnh quá trúng con sâu.
Mỗi ngày, ngoài việc lấy măng bán, mỗi người bắt được từ vài lạng đến 1 kg sâu. Số sâu này người dân không bán, họ bắt về ăn. Sâu được chế biến thành nhiều món, sâu nướng trong ống nứa, sâu chiên dầu mỡ, sâu xào… nhưng ưa chuộng nhất vẫn là món nướng trong nứa, cách chế biến này con vừa ngon, béo.
Bởi, sâu nướng ống nứa rất đơn giản, sâu đem rửa sạch, ướp với muối, tiêu rừng cho thấm khoảng 20 phút. Sau đó, ống nứa rửa sạch, cho sâu vào đậy lại bỏ lên bếp lửa khoảng 30 phút. Những con sâu vàng óng, mỡ bóng nhoáng phía ngoài, tỏa mùi thơm phức.
Những con sâu mập ú nằm phía trong cây măng
Ngoài việc làm món ăn cho gia đình, vào những dịp lễ hội người dân Xê Đăng bắt sâu làm món nhậu. Để chuẩn bị, đám thanh niên được cắt cử lên rừng tìm kiếm, sau đó đưa về chế biến. Ngày lễ hội, sâm măng bày ra cả làng vât quanh bên nhà cộng đồng uống rượu cần thâu đêm.