Đang là mùa xuân- mùa của nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Một trong những bệnh đó chính là quai bị. Nó lành tính nếu biết cách kiêng khem. Mối nguy hiểm nhất của bệnh này gây vô sinh.
Con trai tôi 14 tuổi, bị sưng nề và đau ở má bên trái nhưng phần da sưng không tấy đỏ. Như vậy có phải cháu bị bệnh quai bị? Nếu bị biến chứng sẽ có biểu hiện thế nào?
Phạm Thị Toan (Thái Nguyên)
Quai bị là bệnh viêm tuyến mang tai do virut. Bệnh thường phát vào mùa xuân có thể gây thành dịch nhất là ở những nơi nhà trẻ, trường học. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị. Sau khi tiếp xúc với virut quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Bệnh quai bị có thể gặp các biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần. Vì bệnh do virut nên không có thuốc đặc trị mà chủ yếu nghỉ ngơi, nếu có biến chứng viêm tinh hoàn (thấy tinh hoàn sưng, đau như nói trên) cần khám và điều trị ngay để phòng vô sinh do teo tinh hoàn. Phòng bệnh quai bị hiệu quả bằng tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nếu đã tiêm vắc-xin mà mắc thì cũng nhẹ và ít biến chứng.