Người phụ trách phóng tên lửa hạt nhân Mỹ là những bóng hồng xinh đẹp. Họ ngày đêm túc trực tại căn cứ dưới lòng đất. Khi có lệnh, những nữ quân nhân sẽ khai hỏa tên lửa hạt nhân Mỹ.
Đại úy Amber Moore, nữ điều phối viên tên lửa ở căn cứ Minot, bang Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: NBC News.
Tại căn cứ nằm sâu 18 mét dưới lòng đất ở thành phố Minot, bang Bắc Dakota, hai nữ quân nhân Mỹ ngồi trước một bảng dài những bóng đèn nhấp nháy, thiết bị chuyển mạch và bảng phân loại mã tín hiệu. Trong 24 tiếng sắp tới, họ sẽ từ từ nghiên cứu để nâng cao kiến thức, uống trà, xem xét các giao thức, nói chuyện phiếm và thay ca lẫn nhau. Nhưng nếu nhận được lệnh khai hỏa tên lửa, họ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, theo NBC News.
"Nếu có lệnh hành động, điều đó có nghĩa thế lực nào đó đang muốn phá hủy cuộc sống của chúng tôi ở đây, trên đất Mỹ. Vì thế, tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng, thực hiện mọi mệnh lệnh được giao... để bảo vệ sự sống của người dân Mỹ", đại úy không quân Erika Weitgenant quả quyết.
Weitgenant và đồng đội của cô, đại úy Marian Dinkha, là những sĩ quan điều khiển tên lửa và hạt nhân. Các cô thường được gọi với cái tên "người phóng tên lửa". Họ luôn bình tĩnh, nghiêm túc và tận tâm với nhiệm vụ: Chống lại các cuộc tấn công từ kẻ thù của Mỹ bằng kho vũ khí gồm 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hạt nhân.
24 giờ, 7 ngày, trong những căn hầm chống nổ chôn sâu dưới lòng đất, khoảng 90 quân nhân có trách nhiệm giám sát các ICBM nằm rải rác ở các địa điểm khác nhau cách họ hàng km. Chúng thường được bố trí tại những căn cứ không quân ở vùng nông thôn, dân cư thưa thớt phía tây nước Mỹ.
Lực lượng quân nhân tên lửa đã nhận sứ mệnh giám sát kho vũ khí hạt nhân Mỹ từ những năm 1970. Dù phụ nữ vẫn chỉ chiếm số ít trong quân đội, tỷ lệ nữ giới trong không quân Mỹ là 20%, cao nhất so với các lực lượng khác. Cứ 5 người điều khiển phóng tên lửa thì có 4 người là nam giới. Tuy nhiên, không quân Mỹ đã có 247 nữ quân nhân đảm nhận nhiệm vụ sống còn này.
Nhiệm vụ sống còn
Hai nữ quân nhân phụ trách phóng tên lửa Mỹ trong buồng làm việc tại căn cứ. Ảnh: Twitter.
Để trở thành quân nhân điều hành tên lửa, các ứng viên phải trải qua nhiều tháng huấn luyện nghiêm ngặt và bắt buộc học thuộc lòng quy trình triển khai hạt nhân. Hầu hết họ sống tại những thị trấn xa xôi thuộc vùng Đại Bình nguyên Bắc Mỹ, nơi mùa đông vô cùng khắc nghiệt.
Những ca trực của họ có thể rất căng thẳng. Họ làm việc mỗi ngày dưới lòng đất, sau những cánh cửa chống bom nặng 4,5 tấn, 24 giờ một ca và mỗi ca chỉ gồm hai người. Không có không khí trong lành, ánh sáng đều là nhân tạo và thức ăn cũng không quá tuyệt vời. Họ phải ghi nhớ những quy trình vô cùng phức tạp và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào.
Đại úy Dinkha, người thành thạo vài ngoại ngữ, từng ước mơ trở thành chuyên gia ngôn ngữ hoặc đặc vụ tình báo không quân Mỹ. Khi được chỉ định gia nhập đơn vị điều khiển tên lửa, cô đã khóc.
"Trung thực mà nói, đây không phải công việc tôi mơ ước", Dinkha cho hay và thêm rằng cô phải tự mình thích nghi với công việc bởi cô muốn phục vụ đất nước.
Đại úy Amber Moore là một nữ điều phối viên tên lửa khác ở Minot. Cô cho rằng nhiệm vụ mình đang làm "rất quan trọng". Moore chia sẻ gia đình là lý do khiến cô theo đuổi công việc này.
"Chồng và con tôi là một phần lý do. Nó mang đến cho tôi niềm tin rằng khi tôi ở ngoài đó, tôi đang hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho họ", Moore nói.
Thời gian không làm việc, Moore tới câu lạc bộ cưỡi ngựa bên trong căn cứ không quân để thư giãn. "Tôi có thể bị căng thẳng... Tới đây để giải tỏa là điều cần thiết", cô giải thích. Đối với những nữ quân nhân khác, họ chọn cách đi xem phim, mua sắm, học tập hay chăm sóc gia đình.
Các quân nhân như Dinkha, Weitgenant và Moore phải thực hiện nhiệm vụ mà hầu hết người dân bình thường ở Mỹ không bao giờ tưởng tượng ra được: Họ phóng vũ khí hạt nhân nhằm vào các mục tiêu không xác định trong khi biết rõ sức tàn phá khủng khiếp chúng có thể gây ra.
Căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây còn không ngại "khoe" về nút bấm hạt nhân của mình với hàm ý sẵn sàng tiêu diệt đối phương.
Trước tình hình mới, công việc của Dinkha và các đồng đội "vẫn diễn ra như bình thường", cô cho biết.
"Chúng tôi có xem tin tức. Nhưng tôi biết chúng tôi chỉ cần quan tâm đến chuyện làm tốt công việc mà chúng tôi đã làm suốt 30 năm qua, đó là luyện tập chăm chỉ và phải sẵn sàng hành động, nếu được lệnh", Weitgenant nhấn mạnh.
Một phần bảng điều khiển kích hoạt khai hỏa tên lửa hạt nhân. Ảnh: NBC News.
Theo NBC News, quy trình phóng tên lửa khá phức tạp. Mỗi khi các quân nhân điều khiển tên lửa nhận được mã kích hoạt hạt nhân từ Nhà Trắng, họ sẽ bước vào quy trình mang tên "Kiểm soát hai người". Quy trình trên nhằm đảm bảo một cá nhân không thể tự mình khai hỏa tên lửa.
Hai sĩ quan điêu khiển tên lửa sẽ phải cùng mở một két sắt được bảo vệ bởi hai ổ khóa. Người này không được phép biết mã của người kia. Trong két chứa một đoạn mã bí mật mà mã kích hoạt hạt nhân từ Nhà Trắng cần trùng khớp.
"Nếu khớp, điều đó có nghĩa mệnh lệnh đúng là từ tổng thống", Dinkha nhấn mạnh. "Nếu vì bất kỳ lý do nào mã không khớp, chúng tôi sẽ không hành động".