Một cường quốc như Mỹ mà luôn luôn bị Triều Tiên đe dọa tấn công? Triều Tiên định "vuốt râu hùm" chăng? Mỹ lên kế hoạch đánh bại chớp nhoáng Triều Tiên và kịch bản "Trò chơi vương quyền"?
Chính quyền của Tổng thống Trump đang có một kế hoạch để đánh bại chớp nhoáng và làm bẽ mặt Triều Tiên. Nhưng nhiều nhà quan sát quốc tế và chuyên gia đang lo lắng mọi cuộc tấn công vào Triều Tiên có thể dẫn đến rủi ro khủng khiếp là sự khởi đầu của một cuộc chiến tổng lực. Khủng hoảng Triều Tiên phức tạp như bộ phim đình đám "Trò chơi vương quyền".
Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên thì có nghĩa là họ đang tin rằng ông Kim Jong Un sẽ không trả đũa bằng những cuộc tấn công vào Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhưng với khả năng quân sự ngày một tăng cao của Triều Tiên, nhất là sau vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào cuối năm ngoái, viễn cảnh cho một cuộc tấn công vào Triều Tiên trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Mỹ lên kế hoạch đánh bại chớp nhoáng Triều Tiên và kịch bản
Máy bay ném bom B-1B của Mỹ bay trên căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc.
Mỹ sẽ đánh bại chớp nhoáng Triều Tiên thế nào?
Không giống như vụ tấn công ngày 7.4.2017 vào căn cứ không quân của Syria. Mỹ không thể cứ thế hướng tên lửa hành trình vào bờ biển Triều Tiên và để cho 59 quả tên lửa xé toạc mọi thứ (vụ tấn công căn cứ không quân Syria, Mỹ bắn tổng cộng 59 quả tên lửa hành trình).
Justin Bronk một chuyên gia về không chiến tại Học viện Royal United Services nói: "Những tên lửa hành trình sẽ chỉ tạo ra một cảnh báo nhỏ". Ông chỉ ra thực tế là những tên lửa này bay dưới vận tốc âm thanh và người Triều Tiên có thể chặn chúng vì "Triều Tiên rất cẩn thận trong việc giám sát những vùng biển của họ".
Cũng theo Bronk nếu Mỹ sử dụng máy bay có người lái để tấn công từ trên không họ sẽ phải đối mặt với hệ thống phòng không của Triều Tiên và rủi ro sẽ kết thúc bằng "một kịch bản ác mộng khi một chiếc máy bay rơi tại Triều Tiên. Bạn phải giải cứu tù binh hoặc Triều Tiên sẽ đem họ đi diễu hành và có thể hành hình tù binh". Bronk nghĩ không có một lựa chọn tốt cho cuộc chiến với Triều Tiên và "rủi ro ít nhất là thử đánh chặn tên lửa".
Quân đội Triều Tiên tập trận vào năm 2013.
Ván bài tên lửa đánh chặn
Bronk mô tả Mỹ sẽ cố gắng để bắn rơi tên lửa của Triều Tiên như là cách để ngăn chặn "một sự thách thức tiềm tàng không thể phủ nhận". Nhưng "về mặt tài chính sẽ rất khó để Mỹ giữ vững nhịp độ vì họ sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa siêu hiện đại còn tên lửa của Triều Tiên thì rất rẻ".
Mỹ cũng sẽ phải giữ sự hiện diện thường xuyên của những hệ thống phòng thủ tên lửa bên bờ biển Triều Tiên. Với lực lượng mỏng của Hạm đội Hải quân Thái Bình Dương, Mỹ phải rất cố gắng để giữ những tàu chiến tại đây, đồng thời việc này sẽ tốn hàng tỷ USD.
Tiếp theo là một câu hỏi lớn: Liệu Mỹ có thể bắn rơi tên lửa Triều Tiên? Ngay cả khi Mỹ có tàu chiến và máy bay để thực thi điều này thì chưa có gì đảm bảo rằng họ có thể bắn rơi tên lửa. Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể chặn sự tấn công của Triều Tiên với một cái giá lớn nhưng nếu chỉ cần trượt một lần bắn hạ, Mỹ sẽ phải từ bỏ kế hoạch tấn công chớp nhoáng của mình.
Chưa kể nếu Triều Tiên tránh được tên lửa đánh chặn của Mỹ họ sẽ đạt được uy tín lớn trong khi Mỹ sẽ mất rất nhiều thứ.
Tướng Mỹ không muốn đánh Triều Tiên
Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ, tướng Robert Neller nói ông không tìm kiếm một cuộc chiến tại bán đảo Triều Tiên. Ông có liệt kê những mối đe dọa lớn của Mỹ: Nga, Triều Tiên, Iran, Trung Quốc. Trong 4 nước thì Triều Tiên là nước có cả sức mạnh và ý định sử dụng những hành động bạo lực. Và nếu có một cuộc chiến tại Triều Tiên, ông muốn Thủy quân lục chiến phải biết mình sẽ đối đầu với những thách thức nào.
Những ký ức về Chiến dịch Hồ Trường Tân trong cuộc chiến Triều Tiên là những yếu tố được ông nhắc đến. "Nơi đó có lắm núi, nóng hơn vào mùa hè, lạnh hơn vào mùa đông. Có nhiều vùng đồi với các con đường chật hẹp. Rất khó khăn... Chúng tôi phải nghĩ về cách thức chiến đấu". Ông cũng nói thêm về những báo cáo cho là Triều Tiên sẵn sàng hướng rocket và pháo binh vào Seoul và những khu vực xung quanh.
"Khu vực Seoul là nhà của khoảng 30 triệu người. Vì thế, khi nghe mọi người nói chúng tôi phải tới đó để chiến đấu với ông Kim Jong Un thì bạn sẽ làm gì với Seoul khi nó có thể bị dội hàng trăm hàng nghìn quả đạn pháo? Kết quả sẽ giống như phim Trò chơi vương quyền với rất nhiều người bị tổn thương. Tôi có thể sai nhưng đây là một vấn đề rất phức tạp".
Ông Neller kết luận "Có rất nhiều kiểu chiến tranh và cách thức tiến hành chiến tranh ở Triều Tiên... Cuộc chiến sẽ không bao giờ đi theo cách mà bạn nghĩ. Nó luôn đi theo một cách khác. Vì thế, bạn không thể định hình được cách thức chiến tranh trong suy nghĩ. Khi chuẩn bị chiến tranh bạn phải tư duy như một lãnh đạo, bạn phải đọc, học và suy nghĩ. Chúng ta cần một lực lượng có tinh thần nhanh nhẹn và thể chất tốt để đáp ứng với sự thay đổi".