Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa lần thứ 16 vào tháng 11. Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận để tăng cường trừng phạt bán đảo này. Hai bên có thể sớm đưa ra dự thảo nghị quyết Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một quan chức Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 20/12 xác nhận Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán, chưa rõ Bắc Kinh có nhất trí áp thêm lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng hay không, AFP đưa tin.
Nghị quyết trừng phạt mới dự kiến nhằm vào nguồn cung các sản phẩm từ dầu mỏ cho Triều Tiên. Đây là phản ứng của Liên Hợp Quốc với vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên hôm 29/11. Tên lửa bay 1.000 km rồi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.
Một nhà ngoại giao nói dự thảo nghị quyết sẽ được cung cấp cho Hội đồng Bảo an trong tuần này. Trong những lệnh trừng phạt trước đó, Mỹ thường nhất trí trước với Trung Quốc về các điều khoản trước khi trình lên Hội đồng Bảo an. Nhờ vậy, các dự thảo nghị quyết được thông qua nhanh chóng.
Sau vụ thử Hwasong-15, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi "có biện pháp bổ sung" với Triều Tiên. Ông Tillerson tuần trước nói "chiến dịch gây áp lực phải tiếp tục cho đến khi đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa".
Đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an đã áp lệnh hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài. Triều Tiên còn bị cấm xuất khẩu than, sắt, chì, hàng dệt may và hải sản.
Các lệnh trừng phạt đều nhằm siết chặt nguồn thu của Triều Tiên, từ đó khiến nước này khó phát triển chương trình quân sự, và gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán.
Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc cấm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng cho rằng chương trình hạt nhân là cần thiết để đối phó với sự thù địch từ Washington.