Thông tin từ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Kim Jong-un đã từ chối gặp đặc phái viên Trung Quốc. Từ sự việc này, các chuyên gia nhận định, đây chính là tín hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã có phần hạn chế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Kyodo)
SCMP dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, ông Song Tao, trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, ngày 21/12 đã kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Triều Tiên. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc kể từ năm 2015.
Ông Song đã gặp gỡ và hội đàm với ông Choe Ryong-hae, Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên và là “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và ông Ri Su-yong, quan chức ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên. Tuy nhiên, đặc phái viên Trung Quốc được cho là đã không thể gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì truyền thông quốc gia Triều Tiên hoàn toàn không đề cập đến.
Nếu thông tin này được xác nhận, theo giới chuyên gia đó có thể coi là dấu hiệu cho thấy sự lạnh nhạt của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh và một lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng có giới hạn của Bắc Kinh với người láng giềng.
Gu Su, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Nam Kinh, nhận định quyết định không trực tiếp tiếp đón đặc phái viên Trung Quốc có thể coi là sự phá vỡ các nghi thức ngoại giao. Năm ngoái, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón đặc phái viên Triều Tiên tới Bắc Kinh sau khi Triều Tiên hoàn tất đại hội đảng.
Các chuyên gia cho rằng, chuyến đi của đặc phái viên Trung Quốc mang lại rất ít kết quả để phá vỡ thế bế tắc hiện nay liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng từ chối bình luận về chi tiết chuyến thăm. Trong cuộc họp báo ngày 21/11, ông chỉ kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên sau khi Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách bảo trợ khủng bố.
Quan hệ Trung-Triều bớt ấm nồng thời gian gần đây khi Bắc Kinh đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế, thương mại với Bình Nhưỡng.
Therealtz © VietBF