Bán đảo Triều Tiên vẫn căng như dây đàn. Đây là thông tin nóng mà ngày nào báo chí thế giới cũng quan tâm. Vừa qua Trung Quốc cử ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới CHDCND Triều Tiên. Liệu Trung Quốc có thuyết phục được Triều Tiên?
Đây là quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh được cử tới Bình Nhưỡng kể từ tháng 10.2015.
Chuyến đi của ông Tống Đào được dư luận hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng bởi những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.Tại cuộc gặp ông Choe Ryong-hae, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên hôm 17/11, ông Tống Đào đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Theo dự kiến, chuyến thăm Triều Tiên của ông Tống Đào kéo dài bốn ngày, kể từ ngày 17/11-21/11. Trong khuôn khổ chuyến đi, đặc phái viên Trung Quốc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jang-Un.Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, mục tiêu chính của chuyến thăm của ông Tống Đào, là thông báo với Triều Tiên về kết quả Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, điều chắc chắn trong chương trình nghị sự này phía Trung Quốc cũng sẽ bàn thảo với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Việc Trung Quốc cử phái đoàn sang Triều Tiên sau một sự kiện quan trọng của đảng là chuyện bình thường. Nhưng lần này, chuyến thăm Triều Tiên của đặc phái viên Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm Trung quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh. Trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh đầu tháng 11, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các nước, đặc biệt là Trung Quốc, gia tăng các hành động nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chính vì thế, chuyến đi Triều Tiên của ông Tống Đào được dư luận đặc biệt quan tâm.
Lần đầu tiên sau 2 năm, một đặc phái viên của Trung Quốc đến Triều Tiên
Mặc dù Trung Quốc bác bỏ sự liên quan giữa chuyến thăm của ông Tống Đào với chuyến công du của Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, ông Tống Đào có thể mang tới Triều Tiên một thông điệp từ cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ.Tuy nhiên, Trung Quốc có đạt được mục tiêu trên hay không là điềucòn phải tính đến. Bởi trước thềm chuyến thăm, Triều Tiên tuyên bố, vấn đề hạt nhân liên quan đến lợi ích quốc gia và an ninh của người dân nước này không bao giờ có thể đặt lên bàn đàm phán.
Với tiêu đề “Mỹ nên bỏ qua tham vọng hão huyền”, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên mới đây đăng tải bài viết trong đó nêu rõ, qua quá trình lịch sử của các cuộc đối đầu với Mỹ, quân đội và người dân Triều Tiên rút ra bài học kinh nghiệm là không có con đường nào khác ngoài việc đối phó với Mỹ bằng sức mạnh răn đe hạt nhân chính nghĩa. Tờ báo còn nhấn mạnh rằng khi chính sách thù địch của Mỹ không chấm dứt hoàn toàn thì chương trình hạt nhân vì mục đích tự vệ của Triều Tiên nhằm đảm bảo chủ quyền, sự tồn tại và phát triển của người dân, sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Bài viết của Rodong Sinmun được đăng tải trước thềm chuyến thăm Triều Tiên của ông Tống Đào, được cho là một thông điệp của Bình Nhưỡng gửi đến Bắc Kinh “sẽ không có chuyện Triều Tiên nhượng bộ”.
Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên được cho là không mấy nồng ấm trong thời gian qua. Trung Quốc chịu sức ép từ Mỹ trong việc đóng vai trò chủ chốt để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Sau cuộc hội đàm ở Bắc Kinh ngày 9/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý với nhà lãnh đạo Mỹ về cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.Trong một diễn biến khác, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun cuối tuần qua đã tới Hàn Quốc để bàn về vấn đề Triều Tiên. Ông Joseph Yuncho rằng, sẽ khó mà đánh giá được những ý định của Triều Tiên vì nước này đang không thể hiện bất cứ tín hiệu nào. Vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên là từ 15/9, tới nay đã hơn 2 tháng mà phía Triều Tiên chưa có thêm các hành động nào khác. “Tôi nghĩ việc gia tăng áp lực sẽ là yếu tố chính. Tôi hy vọng phía Triều Tiên sẽ dừng luôn các hành động khiêu khích”
Hiện, Triều Tiên đang chịu áp lực lớn từ quốc tế, buộc nước này chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân theo các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng luôn bác bỏ các cuộc đàm phán với phía Mỹ chừng nào Mỹ và Hàn Quốc còn tiến hành tập trận chung. Trong một tuyên bố mới nhất, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc ở Geneva ông Han Tae Song nhấn mạnh sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn vẫn còn tiếp diễn và rằng, nếu Mỹ chấp nhận ngừng tập trận chung với Hàn Quốc, thì Triều Tiên sẽ xem xét lại những gì nước này sẽ làm trong tương lai.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, việc lần đầu tiên trong 2 năm qua, có một đặc phái viên Trung Quốc tới Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh đang sốt ruộc trước sức ép của Mỹ. Trong bối cảnh, căng thẳng leo thang đỉnh điểm trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ-Hàn, phía Trung Quốc khẳng định đề xuất “ngừng đổi ngừng” là lựa tốt nhất cho vấn đề Triều Tiên hiện nay. Đó là việc Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đổi lại Mỹ-Hàn ngừng tập trận. /.