Nhật hiện đang đứng trước nguy cơ bị Triều Tiên bắn tên lửa. Điều này khiến chính quyền Nhật Bản không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Nhật Bản sẽ bắn hạ tên lửa Triều Tiên nhưng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khéo léo thể hiện quan điểm khác biệt.
Ngày 6-11, phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Abe tại Tokyo, Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh chiến lược kiên nhẫn của Mỹ với Triều Tiên đã kết thúc. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng đây không phải là lúc để nói chuyện với Bình Nhưỡng được nữa.
Ông Trump tuyên bố Nhật Bản sẽ "bắn rớt tên lửa Triều Tiên", tất nhiên sau khi đã mua vũ khí từ Mỹ.
"Có thể quý vị nói ngôn từ của tôi là mạnh mẽ. Nhưng hãy nhìn những ngôn từ yếu ớt trong suốt 25 năm qua đi, rồi nhìn lại bây giờ chúng ta đang ở đâu", hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump.
Đáp lại, thủ tướng Abe chỉ nói rằng sẽ làm điều đó "nếu cần thiết".
Bình Nhưỡng đã 3 lần phóng tên lửa đạn đạo bay ngang không phận Nhật Bản. Quan điểm của Tokyo là sẽ chỉ bắn hạ nếu tên lửa Triều Tiên đe dọa lãnh thổ Nhật Bản. Có thông tin nói ông Trump đã từng chất vấn chính phủ ông Abe vì cách tiếp cận này.
Mặc dù vậy, ông Abe khẳng định Nhật Bản ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ rằng mọi giải pháp đối với Triều Tiên, bao gồm cả đáp trả quân sự, nên được cân nhắc.
Thủ tướng Nhật Bản cho rằng đã tới lúc nên gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng xung quanh chương trình hạt nhân - tên lửa của nước này và nhấn mạnh rằng Tokyo đồng thuận tuyệt đối với Washington trong vấn đề Triều Tiên.
Một trọng tâm khác trong cuộc họp báo đánh dấu kết thúc chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Mỹ tới Nhật Bản là thương mại.
Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi chính quyền Abe nên mua các khí tài quân sự của Mỹ, những loại vũ khí mà ông gọi là "tốt nhất thế giới", như một cách để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước và đối phó với "mối đe dọa hiện hữu" từ Triều Tiên.
Ngày mai, ông Trump sẽ tới Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ tại Đông Bắc Á. Dù là chuyến thăm cấp nhà nước, ông Trump sẽ chỉ dành 24 giờ ở Seoul để gặp người đồng cấp Moon Jae In.
Ngay sau cuộc họp báo Mỹ - Nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi ngôn từ và hành động của các bên nên hướng tới "giảm căng thẳng, xây dựng niềm tin và đưa vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, đối thoại".
Therealtz © VietBF