Nhiều quan chức cấp cao của Triều Tiên đã đào tẩu ra nước ngoài. Họ nói lên quan điểm của mình về tình hình kinh tế trong nước trước lệnh cấm vận. Một quan chức Triều Tiên cấp cao đào tẩu nhận định kinh tế Triều Tiên có thể không trụ nổi một năm vì các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ông Ri Jong-ho (trái) thảo luận tại diễn đàn ở New York
"Tôi không rõ liệu Triều Tiên có trụ nổi qua một năm dưới lệnh trừng phạt không. Nhiều người sẽ chết", Ri Jong-ho, một cựu quan chức kinh tế đào tẩu từ Triều Tiên, hôm 16/10 nói trong một diễn đàn của Hiệp hội châu Á ở New York, Mỹ, theo CNBC.
"Thiếu lương thực" và lệnh trừng phạt đã "phong tỏa hoàn toàn" ngành thương mại Triều Tiên, buộc chính phủ phải gửi hàng chục nghìn lao động ra nước ngoài, ông Ri cho biết. Cựu quan chức này cho biết các hộ gia đình Triều Tiên luôn sống trong tình trạng thiếu điện, trong khi thủ đô Bình Nhưỡng chỉ phát điện 3-4 giờ một ngày.
Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất từ trước tới nay với nước này. Trung Quốc cũng đã hạn chế giao thương với Triều Tiên theo nghị quyết Liên Hợp Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Ri từng là người điều hành một công ty thương mại của Triều Tiên ở Đại Liên, Trung Quốc, thuộc quản lý của Phòng 39, tổ chức bí mật chịu trách nhiệm kiếm ngoại tệ cho chính quyền Bình Nhưỡng. Ri cùng gia đình đào tẩu cuối năm 2014 và hiện sống ở thủ đô Washington D.C, Mỹ.
Ri cho biết Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, "rất phiền lòng" với Bình Nhưỡng vì không chịu cải cách kinh tế mà luôn xin viện trợ từ nước này.
Để giải quyết bất an, Triều Tiên chọn cách liên tục thử tên lửa và phát triển chương trình hạt nhân, Ri nói. Dù thế giới lo ngại về mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng và Trung Quốc nhiều lần kêu gọi đối thoại, Ri cho rằng giải pháp tốt nhất không chỉ là cùng ngồi đàm phán mà các bên cần biết chính xác điều mình muốn, cần phải hiểu "Kim Jong-un đang nghĩ gì và thay đổi điều ông ấy nghĩ".