Thời điểm hiện tại, Mỹ có quá nhiều vấn đề phải quan tâm. Những điểm nóng trên thế giới cần phải giải quyết. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump gần như đã bỏ rơi vấn đề Biển Đông?
Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng Việt Nam và các nước Đông Nam Á nên kiên nhẫn với chính quyền mới của Mỹ.
"Phía Việt Nam vốn biết nhiều về Hilary Clinton hơn trong mười năm vừa qua, nên khi ông Donald Trump đắc cử các bạn có thể cảm thấy ngạc nhiên và có chút bỡ ngỡ," ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho biết tại hội thảo "Quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump" tại TP. Hồ Chí Minh ngày 15/9.
"Nhưng đến thời điểm hiện tại chính phủ của các bạn đang thiết lập tốt quan hệ ngoại giao với chính quyền Tổng thống mới," ông nói thêm.
Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á đã phân tích các dấu hiệu chính sách của Mỹ với các nước châu Á kể từ sau khi Donald Trump nhậm chức vào tháng 11 vừa qua.
So với chính sách tái cân bằng về khu vực của cựu Tổng thống Obama, ông Trump với tôn chỉ "nước Mỹ là trên hết" đã ban những sắc lệnh được đánh giá là bất lợi hơn cho Việt Nam. Ông Hiebert lưu ý ba ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đã ký quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam được xem là thành viên hưởng lợi nhiều nhất. Các quan chức thương mại Mỹ sau đó cũng tiến hành điều tra tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ trong thời gian qua. Trong danh sách 16 quốc gia cụ thể có tên Việt Nam, bên cạnh một số quốc gia châu Á khác.
Về căng thẳng biển Đông, ông Hiebert cho rằng chính phủ mới của Mỹ chưa có nhiều động thái đáng kể. "Mỹ đang trong tình thế khó khăn. Mối quan hệ với Trung Quốc còn chịu ràng buộc nhiều vấn đề quan trọng khác như Triều Tiên và Afghanistan. Đồng thời các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thường ở mức nhỏ lẻ, chưa đủ để đi đến một xung đột thật sự," Hiebert giải thích.
Tuy nhiên, chuyên gia CSIS cho rằng chính quyền mới hiện vẫn trong giai đoạn tổ chức lại và chưa bổ nhiệm hết nội các. Đặc biệt, khoảng 40 vị trí quan trọng trong Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn còn bỏ trống. Tổng thống Trump cũng đang bận rộn giải quyết các vấn đề cấp bách như khủng hoảng tên lửa Triều Tiên và bão lũ nghiêm trọng tại các bang những ngày qua.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam và các nước trong khu vực nên kiên nhẫn, cho chính quyền mới thời gian để hoàn thiện bộ máy", ông Hiebert nói thêm.
Ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại buổi nói chuyện tại TP. Hồ Chí Minh, chiều 15/9. Ảnh: Thanh Tùng.
Về Daniel Kritenbrink, nhân sự được Trump chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và đang đợi phê duyệt của Quốc hội Mỹ, chuyên gia CSIS bày tỏ kỳ vọng ở ứng viên này. Ông Kritenbrink được đánh giá là người thân thiện, nồng hậu, và biết lắng nghe. Ông cũng là nhà ngoại giao kỳ cựu về các vấn đề châu Á, và kinh nghiệm từng làm Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh có thể hỗ trợ ông trong quá trình thực hiện nhiệm kỳ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Murray Hiebert ngạc nhiên trước thái độ tích cực từ phía Việt Nam kể từ khi Trump lên nắm quyền. Theo ông, Việt Nam đã rất chủ động liên hệ với chính quyền Mỹ để tạo dựng quan hệ, thông qua loạt chuyến thăm cấp cao giữa hai bên.
"Tôi đã rất ngạc nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ đầu tiên trong khu vực đến thăm chính thức Mỹ tháng 5 vừa qua, trước cả các nước được cho là đồng minh", ông nói. "Trong tình hình hiện nay với chính quyền tổng thống mới, Việt Nam đã mạnh dạn đứng ra và nói rằng, 'Này, chúng tôi đang ở đây.'"
Chuyên gia gợi ý Việt Nam cùng các nước trong khu vực nên tiếp tục nỗ lực tiếp cận Mỹ, nhắc nhở tầm quan trọng của mình về thương mại và đầu tư với Washington.
"Trump đang cân nhắc tới Việt Nam tham dự APEC tại Đà Nẵng. Nếu Việt Nam duy trì sự tích cực trong chính sách với Mỹ và điều chỉnh các vấn đề thương mại giữa hai bên, chúng ta có thể có một bước đột phá vào tháng 11 này," Hiebert nhận định.