VBF-Vừa dứt thử thành công bom H thì nay Triều Tiên lại phóng thử tên lửa. Tên lửa này đã bay hơn 3000 km và tiến gần đảo của Nhật. Nhật Bản ngay lúc này đang phải tính cách để đáp trả. Dù được Mỹ bảo trợ an ninh nhưng thực tế Nhật, Hàn vẫn phải cố gắng nội lực.
Việc phóng thử tên lửa ngay sau khi thử thành công bom H có thể được xem là hành động giảm nhiệt của Triều Tiên
Truyền thông quốc tế đưa tin, sáng nay 15/9, Triều Tiên lại cho phóng thử một tên lửa, bay được khoảng 3.700km, với độ cao tối đa đạt 770km và sau đó thì rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido của Nhật Bản khoảng 2.000km.
Theo đài NHK của Nhật Bản thì tên lửa của Triều Tiên được phóng đi lúc 6 giờ 57 phút sáng từ thủ đô Bình Nhưỡng hướng về phía Đông và bay qua không phận đảo Hokkaido của Nhật Bản vào lúc 7 giờ 06 phút (giờ địa phương).
Mặc dù, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, vẫn chưa có bằng chứng về việc mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, song ông Suga khẳng định Tokyo sẽ phối hợp với Washington và Seoul để đáp trả.
Triều Tiên phóng thử tên lửa lúc này không còn được xem là hành động nóng nữa
Về phía Hàn Quốc, ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, Nhà Xanh đã triệu tập phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) thì cho biết Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Chưa rõ vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng nhằm mục đích gì, ông Kim Jong-un muốn gửi đi thông điệp gì, nhưng theo giới phân tích quốc tế thì có 2 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, với việc phóng thử tên lửa ngay sau khi thực hiện thành công vụ thử bom nhiệt hạch - bom H - lần thứ 2, Bình Nhưỡng đã đánh mất những gì đã đạt được sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của mình từ trước đến nay.
Có thể thấy rằng, vụ thử thành công bom H lần thứ 2 vào ngày 3.9 vừa qua đã mang lại cho Triều Tiên rất nhiều lợi thế trong cuộc đối đầu với Mỹ và các đồng minh cũng như trong việc điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc.
Cho dù ngày 11/9, tất cả Thành viên Thường trực HĐBA LHQ đều thông qua Nghị quyết gia tăng trừng phạt Triều Tiên khiến cho việc Bình Nhưỡng đạt được mục đích gắn liền với gia tăng thêm bất lợi, song thành công thì không thể phủ nhận.
Theo giới phân tích, thành công của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, qua các vụ thử tên lửa và hạt nhân, mà đỉnh điểm là thử bom H, không thể được đo bằng độ bay cao, khoảng cách bay xa của tên lửa hay sức công phá của bom nhiệt hạch.
Mà đó là đưa Washington rơi vào thế bị động và có thể phải thay đổi một cách căn bản chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á vốn đã được xây dựng và áp dụng trong hơn nửa thế kỷ qua, nhất là tính chất mối quan hệ Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn.
Điều đó thể hiện rất rõ qua lời kêu gọi của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 11/9 rằng Nhật Bản cần nâng cao khả năng phòng thủ và khả năng tự bảo vệ do mối đe dọa ngày càng lớn từ chương trình phát triển kỹ thuật tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Đây là động thái rất đáng quan ngại đối với Washington, bởi hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề an ninh và an toàn trong cuộc sống tại đất nước mặt trời mọc hoàn toàn do sức mạnh Mỹ bảo trợ.
Chiếc áo người Mỹ đo ni cho Nhật Bản sau hơn nửa thế kỷ đã tỏ ra chật chội và Tokyo đã có ý định nới rộng ra, nhất là từ khi ông Shizo Abe tái cử nhiệm kỳ thứ hai, sau khi tái lập Bộ Quốc phòng ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Thủ tướng Abe có ý định sửa đổi Hiến pháp qua đó nâng cao năng lực của quân đội Nhật. Việc luật hoá chủ trương gia tăng sức mạnh cho quân đội Nhật là cái đích hướng tới giảm vai trò của Mỹ đối với Nhật và cùng với đó lợi ích Mỹ sẽ giảm sút.
Những thành quả trong kỹ thuật tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng khiến Hàn Quốc phải có động thái gia tăng sức mạnh quân sự, khiến Hiệp định đình chiến và Hiệp ước an ninh chung Mỹ -Hàn đến lúc phải xem xét lại và Mỹ đều bị động.
Còn nhớ từ ngày 24/8/2016 đến ngày 9/9/2016, khi Triều Tiên 5 lần liên tiếp phóng thử tên lửa, các nhà lập pháp Hàn Quốc khi đó đã kêu gọi Seoul phải cân nhắc việc xây dựng tàu ngầm hạt nhân để đối phó với kỹ thuật hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Như vậy, khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ phóng thử tên lửa và nhất là thử thành công bom H lần thứ hai, khiến cả Seoul và Tokyo không thể bị động trông chờ vào sự bảo trợ của an ninh Mỹ, mà lời kêu gọi của Thủ tướng Abe đã cho thấy điều đó.
Bởi lẽ, cho dù nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ, nhưng những hành động manh động của Bình Nhưỡng đã thực sự đe doạ chủ quyền quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc - mà đây lại là vấn đề Washington không thể bảo trợ được.
Quỹ đạo của tên lửa Triều Tiên lúc này không còn được xem là vấn đề khiến Mỹ và đồng minh phải quan tâm nhiều nữa
Washington đã có những động thái kiềm chế Tokyo và Seoul, trong đó có việc gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, nhằm làm giảm nguy cơ đe doạ từ xứ Bắc Hàn đối với các đồng minh.
Tuy nhiên, hành động của Bình Nhưỡng đã khiến cho tính toán của Washington bị cho là ngày càng thiếu chuẩn xác - dự báo sai khả năng phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng, không lường được hành động ngày càng liều lĩnh của Kim Jong-un.
Có thể thấy rằng, thời gian qua Bình Nhưỡng đã đạt được mục đích rất quan trọng là hoá giải nguy hại từ cạnh tranh của ngoại giao nước lớn đối với Triều Tiên, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược ở Đông Bắc Á, qua đó nâng cao vị thế thế cho Triều Tiên.