Vịnh Tampa Mỹ bị siêu bão Irma hút nước, biến thành 'bãi biển'. Bão Irma hút nước tại vịnh Tampa, bang Florida, Mỹ. Do đó, các khu vực gần bờ bị biến thành "bãi biển".
[YOUTUBEVIDEO]p19Ro2k2QqU[/YOUTUBEVIDEO]
"Cảm giác giống như đang đi trên một bãi biển ẩm ướt", Felix Carriloo, 10 tuổi, nói chiều 10/9. Felix cùng mẹ và nhiều người dân Florida khác tới xem vịnh Tampa bị bão Irma hút nước.
Tài khoản Twitter Tim Scheu mô tả vịnh Tampa đã trở thành "một công viên cho chó", đăng kèm video hai con chó chạy, nô đùa tại đây, USA Today đưa tin.
Hiện tượng trên xảy ra do áp suất không khí tại mắt bão, hay còn gọi là tâm bão, thường thấp, do đó, sẽ có một lượng nước biển nhất định bị hút vào tâm bão. Áp suất càng thấp, lượng nước biển bị hút càng nhiều. Các nhà khí tượng học cảnh báo nước có thể dâng lại rất nhanh.
"Bạn có thể tưởng tượng bão là một loại động cơ khổng lồ chuyển năng lượng, nước từ biển và không khí thành mưa và gió", tờ The Atlantic mô tả.
Vịnh Tampa không phải khu vực duy nhất bị bão Irma hút nước. Một số bờ biển ở Bahamas, vùng Caribe, ngày thường ngập nước nhưng lộ đáy ngày 8/9, cũng vì bão Irma.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) chiều ngày 10/9 cảnh báo người dân ở thành phố ven biển Ft. Myers và Naples, Florida, về việc nước biển bị hút, sau đó phát cảnh báo về lũ lụt đối với một phần bờ biển ở Florida, nơi tâm bão Irma đi qua.
"Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm, đe dọa sinh mạng", theo thông báo từ NWS. "Hãy sơ tán ngay lập tức".
Irma là siêu bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương. Bão ban đầu được xếp cấp 5, với sức gió gần 300 km/h. Irma sau đó đổ bộ khu vực Caribe và bắt đầu ảnh hưởng đến bang Florida, Mỹ, vào ngày 10/9. Vào 21h GMT ngày 10/9, sức gió của Irma chỉ còn 177 km/h, tương đương bão cấp 2, với tâm bão cách Naples khoảng 8 km về phía bắc, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết.
NHC cảnh báo Irma sẽ tiếp tục suy yếu và vẫn được coi là bão ít nhất đến sáng sớm 11/9.