Vietbf.com - Triều Tiên được tiến hành đã thử hạt nhân tất cả 6 vụ đều được các trạm quan trắc địa chấn tại Trung Quốc và láng giềng thu thập, những nhà khoa học của Đại học khoa học công nghệ Trung Quốc ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, tin rằng "gần như chắc chắn" được tiến hành bên dưới cùng một ngọn núi từ năm 2006 đến nay.
Đám mây hình nấm xuất hiện khi Mỹ thử quả bom H có tên "Ivy Mike" ở Enewetak, một hòn đảo trên Thái Bình Dương, năm 1952 (Ảnh: Reuters)
Ngọn núi này đang đứng trước nguy cơ bị sập, kéo theo đó là thảm họa rò rỉ phóng xạ - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Bằng cách đo đạc và phân tích sóng xung kích (shock wave) tạo ra từ các vụ nổ, được các trạm quan trắc địa chấn tại Trung Quốc và láng giềng thu thập, những nhà khoa học của Đại học khoa học công nghệ Trung Quốc ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, tin rằng cả 6 vụ thử hạt nhân đều được Triều Tiên tiến hành bên dưới cùng một ngọn núi ở bãi thử Punggye-ri.
Đội ngũ phòng thí nghiệm vật lý địa chấn và lòng đất của trường đại học này đã đăng tải kết quả nghiên cứu của họ trong một thông cáo trên website đơn vị vào hôm qua, 4/9.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhà địa vật lý Wen Lianxing, cho biết căn cứ vào dữ liệu thu được bởi hơn 100 trung tâm giám sát động đất ở Trung Quốc, sai số kết quả về vị trí Triều Tiên thử hạt nhân "không lớn hơn 100m".
Wang Naiyan, cựu chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Trung Quốc và là chuyên gia cấp cao về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cho hay nếu phát hiện của nhóm ông Wen là chính xác, thì khu vực bán đảo đang đứng trước rủi ro thảm họa môi trường nghiêm trọng.
Theo ông, vụ thử hạt nhân thứ 7 có thể khiến cả ngọn núi sập xuống, chỉ để lại một lỗ hổng mà từ đó phóng xạ bị rò rỉ ra cả khu vực, bao gồm vùng Đông Bắc của Trung Quốc.
"Chúng tôi gọi đó là hiện tượng 'tốc mái'. Nếu ngọn núi bị sập thì lỗ hổng sẽ lộ ra, cùng với nhiều thứ tồi tệ," ông Wang nói với SCMP.
Bằng chứng cho điều Wang Naiyan cảnh báo là việc xuất hiện đến 2 cơn địa chấn khi Triều Tiên kích nổ quả bom H (bom nhiệt hạch) hôm Chủ nhật, 3/9.
Sau chấn động đầu tiên vào lúc 12h36 (giờ Bình Nhưỡng) - được cho là gây ra do nổ bom H, cơ quan quan trắc động đất của chính phủ Trung Quốc còn xác định được một địa chấn khác yếu hơn vào 8 phút sau đó và phán đoán nguyên nhân là do sụt đất.
Tọa độ địa chấn mà cơ quan quan trắc Trung Quốc ghi nhận (màu đỏ) hôm 3/9 nằm trong khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri, chỉ cách thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc 200 km (Ảnh: Google Earth)
Rủi ro quan hệ Trung-Triều đổ vỡ
Ông Wang chỉ ra, không phải núi nào cũng phù hợp để thử bom hạt nhân. Ngọn núi phải cao, nhưng sườn dốc bằng phẳng. Trong lãnh thổ Triều Tiên có rất ít khu vực đáp ứng điều kiện nhạy cảm của chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng không có nhiều ngọn núi để lựa chọn.
Việc ngọn núi tiếp tục đứng được bao lâu còn phụ thuộc vào vị trí người Triều Tiên đặt bom.
Ông Wang cho hay, "Nếu bom đặt dưới đáy của một đường hầm được đào theo phương thẳng đứng thì vụ nổ sẽ gây thiệt hại ít hơn".
Tuy nhiên, việc xây đường hầm thẳng đứng rất khó khăn và đắt đỏ, chưa kể khó lắp đặt dây cáp cùng các cảm biến để thu về số liệu trong vụ nổ. Phương án đơn giản hơn là mở đường hầm theo phương nằm ngang xuyên vào lòng núi, nhưng cách này làm gia tăng rủi ro "sập đỉnh".
Nguy cơ cũng tăng lên khi Bình Nhưỡng cố gắng tăng sức công phá của bom.
"Bom có đương lượng nổ 100 kiloton là một quả bom tương đối lớn. Chính phủ Triều Tiên cần ngừng ngay việc thử hạt nhân bởi họ đang tạo ra mối đe dọa không chỉ cho chính mình mà còn cả các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc," ông Wang Naiyan nói.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 3/9 cảnh báo, Bắc Kinh sẽ chỉ tỏ ra kiềm chế khi Triều Tiên hành động trong giới hạn mà an ninh chiến lược và môi trường của Trung Quốc được bảo đảm. Ngay khi Bình Nhưỡng vượt qua giới hạn này, khuôn khổ hiện có cho mọi liên hệ giữa Trung-Triều sẽ đổ vỡ.
Khi các diễn biến ở bán đảo còn ở mức Bắc Kinh "chấp nhận được", Hoàn Cầu nói, thì Trung Quốc cần tránh các biện pháp cực đoan như cấm vận toàn diện Triều Tiên, bất chấp dư luận Trung Quốc đang giận dữ đòi trừng phạt Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân mới nhất.
Trong khi đó, học giả Wang không loại trừ khả năng có sai sót trong tính toán của nhóm ông Wen Lianxing. Các sóng địa chấn truyền qua nhiều lớp đất đá với tốc độ khác nhau, nên việc xác định chính xác [vị trí nguồn sóng] dựa trên dữ liệu địa chấn không đơn giản.
Nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm Cục an ninh hạt nhân quốc gia, sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ mọi động thái thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chính phủ Trung Quốc ngày 4/9 xác nhận các chỉ số bức xạ ở vùng Đông Bắc nước này không có gì bất thường.
Ông Wen ước tính năng lượng phóng ra từ vụ thử bom H của Triều Tiên ngày 3/9 tương đương khoảng 108.3 kiloton thuốc nổ TNT, gấp 7.8 lần sức mạnh vụ nổ do bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 gây ra.