Đến bây giờ cả thế giới mới nhận ra rằng Triều Tiên không dọa, Kim Jong Un không nói chơi. Cả thế giới đã kinh ngạc về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nó đã đạt được những bước tiến quan trọng trong những năm qua.
Một tên lửa được phóng thử nghiệm ở Bình Nhưỡng, thủ đô CHDCND Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Điều gây lo ngại về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là khả năng Triều Tiên có thể đã thu nhỏ được bom H hay được hiểu là bom nhiệt hạch đến cấp độ gắn được vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là sự khác biệt so với tất cả các vụ thử trước đây, tạo ra "một bước ngoặt quan trọng" trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, một chương trình đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc trong những năm qua.
Những năm 1950, Triều Tiên bắt đầu tiến hành nghiên cứu hạt nhân, với sự trợ giúp của Liên Xô.
Năm 1993, Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm trung Rodong.
Năm 1998, Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Taepodong-1, một công nghệ vượt xa những gì cộng đồng quốc tế vốn biết Triều Tiên sở hữu.
Năm 2003, Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân, tuyên bố tái chế thành công 8.000 thanh nhiên liệu hạt nhân, đủ plutoni để phát triển 6 quả bom hạt nhân trong dưới 1 năm.
Năm 2006, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa lần 2, mang tên Taepodong-2, đồng thời tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên trong một cơ sở dưới lòng đất.
Năm 2009, Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 2.
Năm 2010, các nhà khoa học đưa ra báo cáo rằng Triều Tiên đã có thể làm giàu uranium.
Năm 2013, Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3.
Năm 2015, Triều Tiên tuyên bố đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, và sẽ phát triển tên lửa vươn tới mọi vùng của nước Mỹ.
Năm 2016, Triều Tiên thực hiện liên tiếp 2 vụ thử hạt nhân trong năm 2016, đồng thời tuyên bố thử nghiệm thành công bom Hydro.
Năm 2017, Triều Tiên lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa liên lục địa có khả năng vươn tới mọi nơi trên thế giới, theo Bình Nhưỡng xác nhận.
Cho tới hiện nay, chưa có báo cáo cụ thể về tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên, tuy nhiên ước tính, có thể kho vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng chứa tối đa 30 đầu đạn.