Hệ thống vệ tinh gián điệp của Mỹ có thể theo dõi từng hoạt động của Triều Tiên. Tuy nhiên, hệ thống này đã phân tích sai địa điểm phóng ngày 28/7 khiến giới phân tích nghi ngờ sự chính xác.
Khi Triều Tiên ngày càng phát triển chương trình tên lửa, Mỹ khẳng định họ có thể theo dõi các quá trình vận chuyển, tiếp nhiên liệu cho tên lửa và có thể tiêu diệt tên lửa trước khi rời bệ phóng.
Bám sát mọi hoạt động
Quá trình dự đoán về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bắt đầu bằng việc theo dõi hoạt động trên các khu vực mà Bình Nhưỡng từng bắn tên lửa. Tiếp đến là nhận diện sự có mặt của xe mang phóng, xe tiếp nhiên liệu trên khu vực.
Trong vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của Bình Nhưỡng vào ngày 4/7, các quan chức Mỹ nói với các phóng viên rằng họ đã quan sát quá trình chuẩn bị của Triều Tiên vào ngày 3/7.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.
Vệ tinh Mỹ đã theo dõi tên lửa trong vòng 70 phút trước khi nó được phóng đi. Quy trình tương tự được lặp lại trước vụ phóng thử ICBM đêm 28/7. Trung tuần tháng 7, tình báo Mỹ bắt đầu dự đoán về một vụ thử tên lửa sắp xảy ra.
Tình báo Mỹ dự đoán thời điểm phóng sẽ diễn ra vào ngày 27/7, nhân kỷ niệm 64 năm ký hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên. Nhà phân tích Ankit Panda, thuộc tạp chí Diplomat tiết lộ rằng một nguồn tin chính phủ Mỹ, nói với ông họ đã phát hiện tên lửa Hwasong-14 và xe chuyên chở ở Kusong, phía Bắc tỉnh Pyongan.
Mạng lưới tình báo của Mỹ đang cố gắng theo dõi “nhất cử, nhất động” của Triều Tiên trong thời gian thực. Điều này rất quan trọng vì nó cần thiết để Mỹ quyết định tiến hành tấn công phủ đầu, phá hủy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngay trên mặt đất, nếu Bình Nhưỡng có ý định sử dụng chúng.
Thật giả lẫn lộn
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ phóng ICBM lần thứ 2 tại Mupyong-ni, tỉnh Chagang, một khu vực gần biên giới Trung Quốc và cách địa điểm dự đoán khoảng gần 200 km.
Vụ phóng ngày 28/7 diễn ra vào ban đêm khiến việc quan sát quá trình chuẩn bị bằng vệ tinh gặp khó khăn. Mặt khác, địa điểm phóng rất nhỏ và hầu như không phải chuẩn bị nhiều như vụ phóng hôm 4/7.
Thực tế vệ tinh của Mỹ ghi nhận các hoạt động bất thường tại Mupyong-ni khoảng 24 giờ trước khi vụ phóng xảy ra, điều này được củng cố khi Triều Tiên chuẩn bị khu vực quan sát dành cho khách VIP.
Tuy nhiên, thời gian quan sát trước vụ phóng giảm xuống khá nhiều so với trước. Mặt khác, đây là thử nghiệm trong thời bình nên vệ tinh Mỹ có thể dự đoán chúng thông qua việc chuẩn bị khu quan sát cho các quan chức.
Nếu vụ phóng diễn ra trong thời chiến, các vệ tinh rất khó để dự đoán chính xác địa điểm phóng chính. Các vệ tinh có thể ghi nhận hình ảnh về hoạt động của tên lửa trên mặt đất nhưng không thể xác nhận tên lửa thật, hay mô hình.
Ảnh vệ tinh chụp nhà máy vũ khí Mupyong-ni trước thời điểm diễn ra vụ phóng đêm 28/7. Ảnh: Google Earth.
Nhà phân tích Panda cho biết vụ phóng ngày 28/7 ghi nhận nhiều thay đổi đáng “lo ngại” trong chiến thuật của Triều Tiên. Tên lửa Hwasong-14 cùng xe tiếp tế xuất hiện ở một địa điểm cách vị trí phóng chính 125 km, cho thấy Bình Nhưỡng đang tìm cách áp dụng chiến thuật nghi binh đánh lừa vệ tinh Mỹ, nâng cao khả năng sống sót trong chiến đấu.
Nhà phân tích Jeffrey Goldberg, tổng biên tập tạp chí Atlantic, cho biết Pakistan thường xuyên di chuyển vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng các phương tiện vận chuyển dân sự để đánh lừa hoạt động giám sát bằng vệ tinh, Bình Nhưỡng có thể áp dụng chiến thuật tương tự.
Ngoài ra, phần lớn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu lỏng nên cần thời gian chuẩn bị khá lâu. Nếu chúng sử dụng nhiên liệu rắn, việc theo dõi quá trình di chuyển và chuẩn bị phóng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một số nhà phân tích nghi ngờ mạng lưới vệ tinh gián điệp của Mỹ có thực sự mạnh mẽ như những gì mà các quan chức tuyên bố. Việc các quan chức Mỹ dự đoán vụ phóng thử tên lửa Hwasong-14 sẽ diễn ra tại Kusong, trong khi nó diễn ra tại Mupyong-ni đã cho thấy điều này.
VietBF © sưu tầm