Thời tiết trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Những hiện tượng tời tiết ít khi xảy ra trong lịch sử giờ đây lại xuất hiện. Tháng trước giữa mùa hè, nước Nga có tuyết rơi dày đặc, giờ nắng nóng kinh hoàng lại xảy ra ở châu Âu.
Các chuyên gia thời tiết cảnh báo đợt nắng nóng khủng khiếp hoành hành nhiều khu vực châu Âu hồi tuần trước sẽ tiếp tục càn quét 21 quốc gia trong tuần này.
Được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2003, đợt nắng nóng "Lucifer" đẩy nhiệt độ khắp châu Âu lên các mức cao kỷ lục suốt nhiều ngày liền, khiến ít nhất 10 người chết, giao thông và đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy hiểm không kém là cháy rừng tàn phá trên diện rộng, nhất là tại các nước phía Nam châu Âu như Bồ Đào Nha, Hy Lạp...
Ở Pháp, du khách và người dân tụ tập quanh các đài phun nước để tránh nóng. Giới chức trách Pháp đã triển khai thêm lính cứu hỏa và xe tải chở nước đến đảo Corsica để khống chế các vụ cháy rừng kéo dài suốt nhiều ngày qua.
Nước Ý cũng thê thảm không kém khi nhiệt độ những ngày gần đây thường xuyên đạt mức hơn 37 độ C - cá biệt ở vùng Campania quanh Naples lên đến 55 độ C hôm 4-8, khiến cả kẹo sing-gum cũng tan chảy bên trong lớp giấy bọc. Hạn hán trên phạm vi toàn quốc làm nông dân than thở rằng họ thiệt hại hơn 1 tỉ USD, theo báo The New York Times (Mỹ).
Sự trừng phạt của nắng nóng - Ảnh 1.
Một con cọp Sumatra làm mát bằng các khối đá ở Rome, Ý cuối tuần rồi Ảnh: EPA
Ở thủ đô Bucharest - Romania, giới chức trách kêu gọi người dân không ra ngoài vào buổi trưa. Trong khi đó, những phương tiện giao thông hạng nặng bị cấm di chuyển trên các tuyến cao tốc chính vào dịp cuối tuần, còn tàu lửa cũng chạy với tốc độ chậm hơn.
Thậm chí, ở miền Nam Serbia, đường sắt đã bị gián đoạn vì nhiệt độ tăng quá cao làm méo mó đường ray. Đặc biệt, 50% lãnh thổ Tây Ban Nha bị đặt trong tình trạng báo động do nhiệt độ nhiều khu vực đạt ngưỡng 44 độ C.
Cuối tuần trước, một nghiên cứu do Ủy ban châu Âu thực hiện và đăng tải trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health dự đoán số người chết do thời tiết cực đoan ở châu Âu tăng 50 lần vào cuối thể kỷ này, tức từ 3.000 người/năm hiện nay lên 152.000 người/năm. Nam Âu sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất và nắng nóng gây ra tới 99% số trường hợp tử vong kể trên.